Các nhà đàm phán cho hay khi kết thúc cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29-3, Ukraine đề xuất áp dụng quy chế trung lập và thời gian tham vấn 15 năm về tương lai của Crimea do Nga chiếm đóng, để đổi lấy thỏa thuận ngừng bắn và bảo đảm an ninh.
Các nhà đàm phán Ukraine nói rõ đề xuất bao gồm việc Kiev sẽ không tham dự các liên minh quân sự hay cho phép đặt các căn cứ quân sự tại quốc gia này. Bên cạnh đó, thời gian tham vấn giữa hai bên trong 15 năm về tình hình của bán đảo Crimea, vốn được Nga sáp nhập hồi năm 2014. Các đề xuất này sẽ chỉ có hiệu lực khi Nga và Ukraine đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn.
Đây là những đề xuất cụ thể nhất mà Ukraine từng công bố trong khuôn khổ các cuộc hòa đàm với Nga. Phát biểu sau khi kết thúc cuộc đàm phán ngày 29-3, ông Mykhaylo Podoliak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho hay sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về thỏa thuận quy chế trung lập đổi lấy bảo đảm an ninh cho Ukraine.
Theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Oleksandr Chaly – thành viên đoàn đàm phán của Ukraine, “Đây là cơ hội để khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Ukraine thông qua các phương tiện ngoại giao”.
Ông Oleksander Chaly cho biết nếu Ukraine cố gắng thực hiện đầy đủ những điều khoản này, quốc gia này sẽ có thể giải quyết thực trạng hiện nay như một quốc gia phi hạt nhân và không thuộc khối nào trong một định dạng trung lập vĩnh viễn.
Ông nhấn mạnh Ukraine sẽ không cho phép lực lượng nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ của mình cũng như triển khai quân sự tại đây. Thế nhưng, ông Chaly cho biết các cuộc tập trận quân sự sẽ vẫn được phép diễn ra tại Ukraine với các quốc gia “bảo lãnh”. Theo đề xuất trên, các nước bảo lãnh có khả năng gồm Ba Lan, Isarel, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada.
Ông David Arakhamia, thành viên đoàn đàm phán của Ukraine, nói về hệ thống bảo đảm an ninh mới cho Ukraine, nhấn mạnh rằng đó là một hiệp ước quốc tế, sẽ được ký kết bởi tất cả các bên bảo đảm an ninh.
Theo trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky, hai bên đã có cuộc thảo luận có ý nghĩa và các đề xuất của Ukraine trong ngày đàm phán đầu tiên sẽ được trình lên Tổng thống Nga Vladimir Putin. Quan chức này cũng nhắc đến khả năng có cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Medinsky cho rằng Kiev không nói rõ liệu họ có từ bỏ yêu sách lãnh thổ đối với Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng hay không.
Trong diễn biến khác, theo Ngân hàng trung ương Nga, mức tỉ giá hiện ở mức 84 rúp/USD. Trước đó, giá đồng rúp ở mức 83 rúp/USD trên Sàn giao dịch Moscow vào ngày 25-2, một ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, còn trước xung đột là 80 rúp/USD. Đồng rúp có khi xuống 139 rúp/USD khi xung đột Ukraine – Nga leo thang.
Lifehub tổng hợp