Rác thải thực phẩm luôn là vấn đề đau đầu đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Giờ đây, vấn đề này đã được giải quyết nhờ nhà máy sản xuất phân bón vi sinh.
Tại công trường của công ty phân bón hữu cơ vi sinh Kume tại tỉnh Hiroshima, các công nhân đang thực hiện công đoạn đầu tiên trong sản xuất, đó là trộn rác thải từ các nhà máy thực phẩm với nguyên liệu nguồn gốc động thực vật như vỏ cây, mùn cưa.
Hỗn hợp này sau đó sẽ được ủ với hợp chất vi sinh ở nhiệt độ khoảng 70 độ thúc đẩy các vi sinh vật có lợi và tiêu diệt các vi sinh vật gây hại cho cây trồng.
Ông Uemukai Masahiro – Phó Giám đốc nhà máy, Công ty Kume, Hiroshima, Nhật Bản cho biết: “Nhà máy của chúng tôi sẽ giúp tái chế một lượng rác thải thực phẩm lớn, chúng tôi sẽ sử dụng một chủng vi sinh đặc biệt, kết hợp với duy trì nhiệt độ và độ ẩm thích hợp để tạo ra phân bón vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp”.
Theo ông Shimatani Keiji – Giám đốc công ty, toàn bộ quy trình kéo dài khoảng 6 tháng để đạt được thành phẩm cuối cùng, điểm đặc biệt, công ty sẽ có hai nguồn thu, trong đó phần lớn thu nhập là đến từ kinh phí xử lý rác cho các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thực phẩm, phần còn lại là việc các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh.
“Hoạt động của chúng tôi chủ yếu là xử lý rác thải thực phẩm và tái chế các loại rác thải thực phẩm này để góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, hơn nữa những sản phẩm phân bón vi sinh được tạo ra từ rác thải thực phẩm cũng là những sản phẩm có ích, thân thiện với môi trường”, ông Shimatani Keiji cho biết.
Nhà máy sản xuất phân vi sinh hữu cơ tại Hiroshima là một trong những nhà máy lớn nhất tại Nhật Bản, mỗi năm có thể giúp xử lý 350.000 tấn rác từ các nhà máy thực phẩm và tạo ra 25.000 tấn phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Chính phủ Nhật Bản có quy định khắt khe về rác thải, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thực phẩm bắt buộc phải tự xử lý hoặc liên kết với các công ty phân bón.
Các công ty phân bón tại Nhật Bản có nguyên liệu là miễn phí, lại được trả thêm chi phí xử lý rác, cho nên phân bón hữu cơ vi sinh có giá tương đối rẻ, có thể thay thế phân bón hóa học, góp phần giúp Nhật Bản tăng cường đáng kể diện tích canh tác hữu cơ và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết