Việc khai tử người đang sống là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người đang sống.
Mới đây, trên địa bàn phường Tân An (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) xảy ra vụ việc bà N.P đến phường Tân An làm thủ tục khai tử cho cháu N.H.L (SN 2019, con trai bà P.).
Bà P. khai cháu L. mất vào tối 4-5 và được phường Tân An cấp giấy khai tử vào ngày 11-5. Tuy nhiên sau đó cha cháu đăng tải lên mạng cháu còn sống.
Công an đã mời bà P. đến làm việc thì bà thừa nhận đã ly hôn với chồng cũ và cả hai vẫn thường mâu thuẫn, xích mích. Bà P. kể bị chồng đánh đập nên đã khai tử cho con trai và gửi giấy khai tử cho chồng cũ báo tin để ngăn không cho người này gặp con nữa. Hiện công an tiếp tục làm rõ mục đích thực sự của bà P. có đúng như vậy hay không.
Liên quan đến vấn đề khai tử cho một người khi người đó đang còn sống, nhiều bạn đọc thắc mắc việc làm này có vi phạm pháp luật? Có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người bị khai tử hay không?
Về thủ tục khai tử: Căn cứ vào khoản 1 Điều 33 Luật hộ tịch 2014, người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử bao gồm: vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết. Trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.
Điều 32 Luật hộ tịch 2014 quy định: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết là cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai tử.
Khoản 2 Điều 34 Luật này quy định ngay sau khi nhận giấy tờ đăng ký khai tử: Nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử.
Do đó, trách nhiệm kiểm tra việc khai tử là đúng hay sai thuộc về công chức tư pháp – hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người được đăng ký khai tử.
Thứ ba, hồ sơ đăng ký khai tử gồm:
+ Tờ khai đăng ký khai tử.
+ Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015, nội dung đăng ký khai tử được xác định theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:
– Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử;
– Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử;
– Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử.
– Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử;
– Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử.
Hành vi khai tử cho người sống sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 41 Nghị định 82/2020, hành vi “làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp.
Như vậy, theo như thông tin bài báo, trường hợp bé N.H.L. vẫn còn sống thì hành vi của bà P. mẹ bé N.H.L có thể bị xử phạt hành chính với chế tài nêu trên. Cơ quan có thẩm quyền sẽ hủy Giấy chứng tử cấp sai quy định pháp luật đối với bé N.H.L..
Ngoài ra, việc công chức tư pháp – hộ tịch UBND phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột cấp Giấy chứng tử cho bé N.H.L chỉ dựa vào “các giấy tờ tùy thân liên quan bà P. mẹ bé mang theo” và “tại phường, bà P. khóc lóc, mặt lộ rõ vẻ đau buồn và có ký cam kết những gì khai là đúng sự thật nên tin tưởng” là không đúng quy định.
Cán bộ đã không kiểm tra, xác minh trên thực tế nên tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý, kỷ luật theo Luật cán bộ, công chức.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết