Dù nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, tuy nhiên theo phân tích của luật sư, việc quyết định xét xử kín vụ án cháu bé 8 tuổi bị bạo hành tử vong là phù hợp và đúng quy định. Phiên toà vẫn sẽ đảm bảo công bằng, khách quan.
Theo dự kiến, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, quê Gia Lai) về tội Giết người và Hành hạ người khác vào ngày 21/7 tới. Bị cáo Trang là dì ghẻ trong vụ án bạo hành bé V.A. (8 tuổi), đến tử vong.
Ngoài bị cáo Trang, Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, cha bé gái) cũng bị truy tố về tội Hành hạ người khác và Che giấu tội phạm.
Vụ án này thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, tuy nhiên phiên tòa sơ thẩm sẽ được xử kín khiến nhiều người thắc mắc.
Liên quan đến quy định về việc xét xử không công khai trong vụ án trên, TS Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, vụ án trên có thể xét xử kín nếu gia đình nạn nhân có yêu cầu hoặc tòa án xét thấy cần phải thực hiện để đảm bảo bí mật đời tư cá nhân, bảo vệ trẻ em theo quy định pháp luật.
Hiến pháp và pháp luật nước ta quy định hoạt động tố tụng của tòa án là xét xử công khai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục, bảo vệ người chưa thành niên… thì tòa án sẽ quyết định xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Vụ trên thuộc trường hợp có đương sự là người dưới 18 tuổi. Đối với vụ án này, tòa án sẽ xem xét bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi.
Cụ thể, luật sư Cường cho hay: “Người dưới 18 tuổi trong vụ án có thể là bị hại hoặc bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, hồ sơ vụ án và các tình tiết trong vụ án có thể tiết lộ hình ảnh, tình huống, sự kiện ghê rợn, tàn nhẫn đối với nạn nhân khiến người khác kinh hãi”.
Theo luật sư Cường, vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành sẽ có rất nhiều đoạn clip có thể được trình chiếu, ảnh tử thi, những lời khai về hành vi bạo hành… khiến người thân, gia đình nạn nhân bị sốc. Những hình ảnh đó nếu bị truyền tải công khai sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ em và cả phụ huynh.
Bởi vậy việc xét xử kín đối với vụ có người bị hại là trẻ em bị bạo hành đến chết như thế này là cần thiết.
Theo vị luật sư, pháp luật quy định, khi tòa án xét xử kín thì các tình tiết, diễn biến của phiên tòa không được phép công khai, những người không được triệu tập sẽ không được chứng kiến diễn biến phiên tòa.
Tuy nhiên khi tòa án tuyên án thì nội dung bản án sẽ phải công khai. Người dân và các cơ quan truyền thông đều có quyền được biết kết quả của vụ án thông qua hoạt động tuyên án công khai theo quy định pháp luật.
Từ đó, luật sư Cường cũng cho rằng, việc đưa xét xử kín với vụ án cháu bé 8 tuổi là hợp lý. Quy định về việc xử kín vẫn đảm bảo khách quan, đúng người đúng đúng tội.
Lifehub tổng hợp