Nhu cầu mua sắm và chi tiêu tăng cao vào dịp Tết. Với những người trẻ mới đi làm, việc kiếm đủ tiền tiêu Tết thật khó khăn!
Quỳnh Anh (23 tuổi, Hà Nội), hiện đang làm sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội cho biết: “Kể từ lúc mới ra trường đi làm, đó chính xác là thời điểm đánh dấu bước chuyển mình quan trọng về tài chính. Bản thân được tự do kiếm tiền, tự do tiêu tiền. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, Tết năm nay phải tiêu tiền mà bản thân tự kiếm được, bố mẹ sẽ không còn chu cấp cho như những năm trước. Mình nghĩ đây là một vấn đề khá đau đầu với nhiều bạn trẻ giống mình. Vì tuổi trẻ mà, tiền tiêu Tết thậm chí lên tới hàng chục triệu đồng. Đây là một con số khá lớn với lứa tuổi đôi mươi như mình.”
Với những người mới ra trường, đi làm được khoảng 1 năm, đồng lương chắc cũng chỉ đủ chi tiêu. Khá hơn thì có thể dư ra 1 ít tiết kiệm, khó khăn hơn có khi còn phải vay tiền bạn bè để bù đắp phần thiếu. Chưa tính đến chuyện tiền đâu tiêu Tết, tiền đâu để đủ chi trả cho những nhu cầu hàng tháng thôi cũng đã đủ đau đầu. Hồng Hạnh (22 tuổi, Nghệ An), hiện đang làm tư vấn viên của 1 công ty bảo hiểm chia sẻ: “Mình chỉ mới đi làm chính thức được gần 1 năm. Sinh viên mới ra trường đi làm nên mức lương cứng nhận được chưa được 10 triệu đồng. Chính sách tính lương của mình còn được cộng thêm hoa hồng từ những hợp đồng đã ký. Tuy vậy, năm nay mình được thông báo là không có thưởng lương tháng 13, do chưa làm đủ 1 năm, chỉ nhận được thưởng Tết. Tính ra, chắc khoản tiền tiêu Tết cuối năm cũng chỉ hơn 10 triệu 1 chút.”
Lương thưởng 10 triệu, tiêu Tết thế nào?
Phần lớn, tài chính của những người mới đi làm chỉ đủ để chi tiêu cho bản thân, không dư ra để phụ bố mẹ sắm Tết. Tuy vậy, dù là những nhu cầu mua sắm Tết cơ bản, cũng cần chi tiêu thông minh và hợp lý nhất. Tránh trường hợp chi tiêu quá đà mà thâm hụt tài chính.
Quỳnh Anh (23 tuổi, Hà Nội) cho biết rằng, mỗi khi đến dịp Tết, cô nàng sẽ tiêu gấp mấy lần thông thường: “Mình không ngại chi tiền cho bản thân vào dịp lễ Tết, vì quan điểm của mình kiếm tiền là để tiêu. Nhưng phải tiêu thông minh và vừa đủ, không bao giờ mình tiêu quá số tiền mình đang có, và có khả năng kiếm được. Vì từ nhỏ, bố mình đã không cho phép mình vay tiền ai. Điều này cũng hình thành nên tâm lý sợ nợ của mình.
Mình chuẩn bị sẵn 1 danh sách đồ muốn mua, rồi sau đó chọn những món đồ mình có khả năng mua. Khoanh vùng chúng trong khả năng tài chính cũng như tính ứng dụng trong cuộc sống. Giống như việc lương tháng kiếm được 10 triệu, mình có thể bỏ tiền để mua 1 đôi giày khoảng 1,5 triệu, xịn 1 chút có thể đi được 2 năm. Hơn là bỏ tiền để mua đôi giày vài trăm mà đi được vài tháng. Đấy là cách mình lựa chọn những món đồ mua sắm. Lễ Tết cũng vậy, không nhất thiết phải sắm toàn đồ mới, mà hãy sắm những món đồ cần thiết và có thể sử dụng nhiều lần cho năm sau. Tính toán thật kỹ số tiền có thể chi tiêu cho việc mua sắm xong, điều khiến mình đau đầu hơn là tiền quà cáp cho gia đình.
Dù mới đi làm, nhưng việc biếu quà Tết người thân gần như là điều dĩ nhiên. Tặng lì xì, quà Tết là 1 phong tục đẹp, nhưng cũng phần nào đó khiến mình có chút áp lực. Thực tế, số lượng quà tặng nhiều hơn mình nghĩ, ít nhất cũng phải 2 bên nội ngoại rồi. Để cân bằng được khoản này, mình đã mất thời gian suy nghĩ khá kỹ. Và đi đến quyết định biếu quà những người thân nhất trước như ông bà, bố mẹ, em trai. Thay vì chọn món đồ quá đắt tiền, mình sẽ chọn những món đồ mà mọi người yêu thích trong số tiền mà bản thân có khả năng chi trả. Khi tiền chưa kiếm được nhiều thì không được ngại. Mình vẫn rất tự hào vì bản thân đã có khả năng mua được quà tặng mọi người vào dịp Tết năm nay.”
Với khoản lương thưởng cuối năm hơn 10 triệu 1 chút, Hồng Hạnh cũng có kế hoạch tiêu Tết khá chặt chẽ: “Tiền kiếm được ít lại càng phải chi tiêu đúng mực, và có kế hoạch cụ thể. Nếu không sẽ như mấy tháng đầu mình đi làm, tiền chưa đến cuối tháng đã hết, khiến mình chật vật hơn vào tháng sau. Vì đã đi làm, nên rất ít khi mình xin thêm tiền từ bố mẹ. Để không rơi vào tình trạng tiêu hết tiền lương, mình đã sát sao chi tiêu hơn trong mỗi tháng, Khoản tiền nào có thể hạn chế được thì không tiêu để lại tiết kiệm.
Tết năm nay, là Tết đầu tiên mình có lương thưởng. Cảm giác thật sự hạnh phúc vì được sắm Tết bằng tiền của bản thân kiếm được. Vậy nên, mình cũng đã tính toán xem mua gì, tiêu gì để chỉ gói gọn trong tiền lương đó thôi. Để không tiêu hết số tiền này, mình nhắc nhở bản thân phải hạn chế hơn trong việc mua sắm. Nhất là những món đồ như quần áo, giày dép, mỹ phẩm. Ngoài ra, mình cũng đã để sẵn số tiền mua vé xe về nhà và tiền tiêu trong 3 ngày Tết ra 1 tài khoản riêng. Số tiền này cũng là từ tiết kiệm trong năm mà có.”
Làm gì để có đủ tiền tiêu Tết?
Để kiếm được tiền tiêu Tết, rất nhiều người trẻ đã phải cố gắng hết mình trong công việc. Hồng Hạnh cho biết: “Thực sự kiếm được số tiền hơn 10 triệu 1 tháng với mình cũng không phải dễ dàng. Khi kinh nghiệm còn ít, thời gian vào làm chính thức cũng chưa lâu, nên với mình, con số 10 triệu là niềm tự hào. Trước Tết 2 tháng, mình đã bắt đầu nghĩ về Tết: Làm cách nào để năm nay tiền lương thưởng cuối năm được cao nhất? Câu trả lời đó chính là sự nỗ lực và chăm chỉ. Khi còn là nhân viên mới trong công ty, chính sách đãi ngộ sẽ không được hậu hĩnh như các tiền bối. Vậy nên điều mình làm, đó là cố gắng hơn mỗi ngày, nhận được mức lương cứng tối đa, và hoa hồng nhiều nhất có thể.
Thêm vào đó, là tiết kiệm hơn vào mỗi tháng. Ngay từ khi mới đi làm, mình đã luôn tự nhủ phải tiết kiệm càng sớm càng tốt. Và kết quả cho việc này, là dù mới đi làm nhưng tài khoản tiết kiệm của mình đã có những con số tích lũy đầu tiên. Khoản này cũng sẽ bù trừ thêm phần nào đó cho chi tiêu trong dịp lễ Tết. Bí quyết của mình có lẽ cũng chỉ nằm ở việc học cách chi tiêu: Kiếm tiền đúng nơi, tiêu tiền đúng chỗ. Mình luôn hạn chế những cuộc vui chơi không mục đích, hay những bữa ăn ngoài chẳng mấy dinh dưỡng lại còn tốn tiền. Ngày thường, mình cũng không có sở thích mua sắm đồ linh tinh, quần áo thì đơn giản nhưng gọn gàng.”
Còn đối với Quỳnh Anh, cô nàng chú trọng nhiều hơn vào việc tăng thu – giảm chi: “Vốn dĩ tính chất công việc của mình có thể làm thêm ngoài giờ đến công ty. Vì thế, càng những ngày cuối năm, mình lại dành thời gian cho công việc nhiều hơn. Khi còn trẻ, mình muốn sống hết mình và tận hưởng những điều tuyệt vời. Để làm được điều này, thì tăng thu nhập là điều đầu tiên mình nghĩ đến, sau đó mới là giảm chi tiêu. Khi mới đi làm, nhìn thấy các anh chị ai cũng nhận các dự án ngoài mà thấy ham. Vậy nên sau khi bồi đắp được chút kinh nghiệm, mình bắt đầu làm nhiều hơn 2 công việc 1 lúc. Nó giúp mình có nguồn thu tốt hơn, chi tiêu cũng được thoải mái hơn đôi chút. Chính vì vậy, tiền tiêu Tết cuối năm phần là lo lương thưởng, phần là do tích lũy từ rất sớm.”
Cả Quỳnh Anh và Hồng Hạnh đều có những khoản tiết kiệm riêng từ trước. Vì họ cho rằng, chỉ tiêu Tết bằng lương thưởng cuối năm đôi khi sẽ không đủ với người mới đi làm. Vậy nên, kể từ khi mới đi làm, bạn hãy chuẩn bị cho mình một kế hoạch tài chính càng sớm càng tốt!
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết