Quản trị nhân lực được ví như ‘trái tim’ của một cơ quan, doanh nghiệp. Vì thế, ngành học này đang thu hút nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển khi chọn vào đại học.
Nguồn lực cơ bản và quan trọng nhất của xã hội từ xưa đến nay là con người. Thế nhưng, để nguồn lực đó được phát huy tối đa thì cần có người quản trị. Vì thế, ngành Quản trị nhân lực ra đời, dần trở thành ngành nghề hot, mang tính chất quyết định sự thành – bại của một công ty, tổ chức.
Quản trị nhân lực là gì?
Quản trị nhân lực (Human Resource Management) là việc tìm kiếm, khai thác, quản lý và sử dụng nguồn lực về con người trong một công ty sao cho hợp lý và hiệu quả nhất. Bởi con người, hay chính nhân viên mới đem lại giá trị thật sự cho doanh nghiệp và xã hội.
Ngành Quản trị nhân lực là ngành chuyên đào tạo các kiến thức nền tảng cũng như kỹ năng thực tiễn về quản trị con người. Đây là ngành phải tiếp xúc, làm việc thường xuyên với nhiều người có những tính cách khác nhau. Do đó, yêu cầu người học và người làm phải thấu hiểu tâm lý và hành vi con người. Bên cạnh đó, cần có kỹ năng quản lý tốt và hiểu biết về nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Ngành Quản trị nhân lực – Lương cao ngất ngưởng mà ít người biết
– Nhân sự vừa tốt nghiệp đại học có lương khởi điểm từ 8 – 10 triệu đồng/tháng.
– Chuyên viên nhân sự tổng hợp từ 8 – 15 triệu đồng/tháng, với mức kinh nghiệm từ 2 – 5 năm tuỳ theo chính sách của doanh nghiệp, công ty hoặc tổ chức.
– Giám sát nhân sự khoảng 15 – 25 triệu đồng/tháng.
– Trưởng phòng có tiền lương và phúc lợi từ 30 – 60 triệu đồng/tháng.
– Giám đốc nhân sự từ 60 – 120 triệu đồng/tháng.
Top 5 kỹ năng không thể thiếu của người làm quản trị nhân lực
1. Kỹ năng chuyên môn
Kỹ năng chuyên môn đối với người làm việc trong ngành quản trị nhân lực là: Kỹ năng quản trị, hoạch định chính sách nhân sự, dự báo nhu cầu nhân sự, gây dựng hệ thống thông tin nội bộ,… cùng nhiều kỹ năng mềm khác. Đó là một số kỹ năng mà bạn cần nắm vững và phát triển nếu muốn theo đuổi lâu dài ngành nghề này.
2. Kỹ năng quản lý nhân sự
Với các doanh nghiệp lớn thì số lượng nhân viên thường rất đông, lên đến hàng trăm và có khi là hàng người. Vì vậy, người học và người làm cần lập nên các chiến lược quản trị nhân sự, triển khai kế hoạch phân bổ, đưa ra định hướng và phát triển nhân lực. Đồng thời, cũng phải biết tổ chức các chương trình sáng tạo nhằm khuyến khích nhân viên làm việc năng suất hơn.
3. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Trong quá trình làm việc, chắc chắn sẽ xảy ra nhiều xung đột giữa nhân viên với nhân viên, hoặc giữa nhân viên mới sếp liên quan đến lương thưởng và nhiều vấn đề khác. Vì vậy, người học và người làm nghề quản trị nhân lực phải có kỹ năng giải quyết vấn đề một cách phù hợp, đưa ra được giải pháp vẹn toàn để làm vui lòng tất cả các bên.
4. Kỹ năng giao tiếp
Với nghề nhân sự, bạn sẽ phải làm việc và tiếp xúc với nhiều người, từ ứng viên mới đến nhân viên cũ. Vì vậy, cần có khả năng giao tiếp tốt, nhạy bén trong cách ứng xử. Yếu tố này giúp tạo được mối quan hệ tốt với mọi người, từ đó dễ dàng chia sẻ những ý kiến và lời khuyên thích hợp, nhất là với các nhân viên mới.
5. Đọc vị người đối diện
Ngoài lời nói thì hành động cũng thể hiện tính cách của một người, đó là ngôn ngữ cơ thể. Người làm nghề quản trị nhân sự phải khám phá ra được những đặc điểm đó để đánh giá toàn diện các ứng viên cũng như nhân viên trong doanh nghiệp. Điều này giúp còn giúp bạn hiểu được những người làm việc chung với mình để biết cách ứng xử cho phù hợp.
Lifehub tổng hợp