Ngày 28/2, hãng tin Sputnik dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, quân đội Nga đã kiểm soát hoàn toàn không phận Ukraine và phá hủy 1.114 trang thiết bị quân sự của nước này.
Trong tuyên bố, người phát ngôn Konashenkov nhấn mạnh người dân Ukraine có thể “tự do” rời khỏi thủ đô Kiev dọc theo đường cao tốc Kyev-Vasylki, hướng này rộng mở và an toàn. Ông nêu rõ: “Hàng không Nga đã giành được ưu thế trên toàn bộ lãnh thổ của Ukraine”.
Bên cạnh đó, Thiếu tướng Konashenko xác nhận quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn đối với khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ngoài ra, binh lính của Cộng hòa Nhân dân tự xưng Luhansk (LPR) cũng lần lượt thiết lập quyền kiểm soát đối với các khu định cư ở Khvorostyanka, Sukhanivka, Artema. Trong khi đó, hãng thông tấn Interfax của Nga đưa tin Công ty năng lượng hạt nhân quốc gia Energoatom của Ukraine đã bác bỏ thông tin cho rằng Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhà máy hạt nhân lớn nhất ở châu Âu.
Ngoài ra, “Các lực lượng Nga đã phá hủy 1.114 trang thiết bị quân sự của Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt”, trang Interfax dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov với ngày 28/2.
Bên cạnh 31 trạm chỉ huy và liên lạc của quân đội Ukraine, “314 xe tăng và xe bọc thép các loại, 57 bệ phóng tên lửa, 121 hệ thống pháo và súng cối cùng 274 xe quân sự đặc biệt cũng đã bị hủy hoại”, ông Konashenkov thông tin chi tiết.
Ngày 28/2, xung đột vũ trang tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 5 với các cuộc giao tranh ác liệt tập trung tại Kyiv và thành phố Kharkiv.
Tướng Oleksander Syrskyi, chỉ huy lục quân Ukraine và chỉ huy phòng ngự Kyiv, cho hay Ukraine vẫn giữ được thủ đô.
“Mọi cố gắng của lực lượng Nga đều không đạt được mục đích. Nhiều phương tiện của lực lượng chiếm đóng bị tiêu diệt. Kẻ thù hứng chịu tổn thất lớn về sinh lực”, tướng Oleksander Syrskyi nói.
Về phía Ukraine, lực lượng này sẽ được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường hỗ trợ với tên lửa phòng không và vũ khí chống tăng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo như trên qua mạng xã hội Twitter, đồng thời cho biết đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28/2.
Cùng ngày, trang tin Politico dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cơ quan này muốn thiết lập một kênh liên lạc với Nga, tương tự như kênh liên lạc được thiết lập tại Syria vào năm 2015. Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nêu rõ trong bối cảnh không phận Ukraine đang diễn ra các hoạt động chiến sự và khu vực này nằm sát không phận của NATO, phía Mỹ đã gửi đi thông điệp tới Nga về tầm quan trọng của một kênh liên lạc để tránh “những tính toán sai lầm”.
Nguồn tin cho biết hiện Nga vẫn chưa phản hồi về đề nghị này.
Cuộc xung đột đã khiến tổng cộng 352 người thiệt mạng trong 4 ngày, Kyiv Independent đưa tin hôm 27/2, dẫn lời Bộ Y tế Ukraine.
Phía Nga cũng cho biết nhiều binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh, nhưng từ chối tiết lộ con số cụ thể, theo một bài báo của BBC cùng ngày.
Lifehub tổng hợp