Theo quy định thì một người lao động không được phép có từ 2 quyển sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) trở lên. Trường hợp người lao động có thời gian đóng trùng bảo hiểm xã hội thì cơ quan BHXH sẽ thu hồi 2 sổ BHXH và cấp lại sổ BHXH là số sổ có thời gian tham gia BHXH sớm nhất.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 46 Quyết định số 959/2015/QĐ- BHXH, một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới. Số sổ BHXH cấp lại là số của sổ BHXH có thời gian tham gia BHXH sớm nhất.
Theo đó, người lao động có quá trình tham gia BHXH trùng nhau thì phải giảm quá trình trùng tương ứng, kể cả sổ có thời gian chưa hưởng chế độ trùng với sổ có thời gian đã hưởng trợ cấp 1 lần, trợ cấp thất nghiệp cũng phải giảm trùng đến tháng liền kề của sổ đã hưởng trước đó, khi giảm trùng thì phải thu hồi số tiền trợ cấp BHXH đã hưởng (nếu có).
Bên cạnh đó, tại Điều 2 Quyết định 959/QĐ- BHXH quy định, việc cơ quan BHXH chuyển trả lại số tiền được xác định không phải tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN hoặc đóng thừa khi ngừng giao dịch với cơ quan BHXH; đóng trùng cho cơ quan, đơn vị, cá nhân đã nộp cho cơ quan BHXH.
Như vậy, trong trường hợp gộp sổ có thời gian tham gia BHXH bị trùng, người lao động sẽ được hoàn trả lại số tiền đóng BHXH trên sổ có thời gian đóng trùng. Do đó, người lao động có thể đến BHXH quận, huyện nơi cư trú để làm thủ tục gộp sổ.
Hồ sơ làm thủ tục gộp sổ BHXH gồm những gì?
Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam hướng dẫn, giấy tờ yêu cầu gộp sổ BHXH bao gồm:
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
– Các sổ BHXH đề nghị gộp (nếu có).
Theo đó, người đang làm việc nộp cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH. Đối với người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, hồ sơ sẽ nộp cho cơ quan BHXH trên toàn quốc.
Lifehub tổng hợp