Trăm nỗi lo, ngàn nỗi lo, không bằng nỗi lo sợ bị hỏi nhiều ngày Tết. Tiền lương bao nhiêu? Thưởng Tết bao nhiêu? Bao giờ lập gia đình?… Toàn những câu hỏi hóc búa khiến Tết của người trẻ trở thành một nỗi ám ảnh không tên.
Ám ảnh với những câu hỏi dai dẳng, không hồi kết
27 tuổi, bằng cấp đẹp, công việc đãi ngộ tốt, lương thưởng đều đặn nhưng Nguyễn Ngọc Hân (Quảng Ninh) luôn bị nhắc nhở vấn đề: “Bao giờ lấy chồng?”. Nếu như mỗi dịp lễ Tết ai cũng muốn bắt chuyến xe để kịp về quê sum họp cùng gia đình thì cô lại có ý định tiếp tục ở lại Hà Nội để làm việc xuyên Tết.
“Cuối năm công việc chồng chất, hàng loạt báo cáo xếp hàng dài, thế nhưng đi đến đâu ai cũng hỏi chuyện lập gia đình. Không muốn trả lời thì bị coi là mất lịch sự, khiếm nhã, không tôn trọng họ, nhưng nếu trả lời những câu hỏi ép buộc như vậy cũng khiến bản thân không thoải mái. Bởi hiện tại mình có những kế hoạch riêng muốn thực hiện và còn rất nhiều việc phải lo toan, tính toán. Còn việc lập gia đình chưa có trong danh sách của mình một chút nào”. Ngọc Hân tâm sự.
Cô cho hay, cô đã quá chán nản với những câu hỏi về chuyện tình cảm hay lương tháng. Thậm chí, những người thân, họ hàng xa của cô còn hỏi các vấn đề nhạy cảm hơn như: “Con gái học nhiều làm gì, sau cũng ở nhà nuôi con cả thôi”, “Sao thưởng Tết của cháu ít thế, con bác thưởng Tết tận mấy trăm triệu cơ”,…
Không đồng tình với cách suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu cùng quan điểm trọng nam khinh nữ của các bậc đi trước, Ngọc Hân quyết định sẽ làm việc xuyên Tết để tránh gặp họ hàng, bởi cô cho rằng năm nào cũng phải lắng nghe những điều này khiến bản thân cảm thấy rất áp lực và mệt mỏi.
Khác với Ngọc Hân, Phạm Minh Tâm (sinh viên năm 4 Đại học Ngoại thương, Hà Nội) lại gặp phải những câu hỏi “đau đầu” khi ai cũng hỏi về công việc sau này.
“Vì đã là sinh viên năm cuối, sắp ra trường rồi nên mình rất hay nhận được những câu hỏi kiểu như: “Đã tìm được chỗ thực tập chưa?”; “Ra trường tính làm việc ở đâu?” hay “Có định hướng cho tương lai chưa?”,… Mình biết những câu hỏi đó xuất phát từ quan tâm, lo lắng của mọi người đối với mình nhưng đôi lúc lại khiến mình không thoải mái và làm bản thân càng hoang mang nhiều hơn”.
Cứ thế, đặt nặng lên vai của Minh Tâm là những áp lực, buồn chán vô hình, khiến cho anh chàng không còn hứng thú mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Áp lực công việc và nỗi lo tài chính
Mọi năm cứ cận Tết là vợ chồng anh chị Lê Liên (Hà Nội) đã tính toán đâu vào đấy chuyện mua sắm những gì để mang về quê dịp Tết, biếu gì cho bà nội, bố mẹ hai bên và họ hàng. Chị Liên cũng tính xong khoản biếu Tết bố mẹ, khoản mừng tuổi cho các bậc bề trenen và trẻ con trong họ tộc.
Năm nay thì khác, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công việc bị thay đổi, phải luân chuyển bộ phận nên khoản thưởng Tết so với dự tính ít hơn những năm trước.
“Hơn 30 triệu đồng sẽ bay vèo cho cả cái Tết nếu cả nhà kéo nhau về quê. Với tình hình tài chính hiện nay, khoản chi như vậy là không thể, bởi năm tới chưa biết thế nào. Dù biết bố mẹ buồn, họ hàng làng xóm có thể bàn ra tán vào khiến gia đình buồn lòng nhưng… đành vậy. Tôi và chồng tính sẽ chuyển về khoản tiền biếu Tết “lấy thảo”, tiền mừng tuổi cho các cháu ruột và nhờ anh chị dưới quê làm cỗ thắp hương cho các cụ, tổng cộng 10 triệu đồng.
Những ngày Tết ở Hà Nội sẽ ít tốn kém hơn vì tôi định chỉ mua một cành đào hoặc chậu quất nhỏ phù hợp với căn hộ chưa đến 60 m2 và một lọ hoa bé xinh. Đồ thắp hương chỉ một cặp bánh chưng, 2 con gà, một cây giò, bánh kẹo đã có công ty vợ cho. Tôi sẽ cuốn một mẻ nem, nấu nồi canh măng và kho nồi cá, tủ lạnh có thêm ít thịt bò, sườn và ba chỉ lợn, đảm bảo hết Tết vẫn ăn chưa hết đồ. Ra Giêng, chúng tôi sẽ sắp xếp để về quê thăm gia đình vào một thời điểm thích hợp. Không được đoàn tụ với bà, với bố mẹ, anh em vào dịp Tết Nguyên đán là sự thiệt thòi, nhưng lúc khó khăn như thế này cũng đành chấp nhận, miễn là vẫn nghĩ về nhau và dành tình yêu thương cho nhau là được rồi”. Chị Liên tâm sự.
Vẫn mong chờ đến Tết Nguyên đán để sum họp cùng gia đình
Dù gặp phải không ít áp lực cận Tết, người trẻ vẫn mong mỏi ngày Tết Nguyên đán để được sắm sửa quần áo mới sau một năm làm việc vất vả, được tân trang cho bản thân và trên hết là đoàn tụ, quây quần bên gia đình sau những ngày tháng làm việc vất vả.
“Áp lực thì áp lực, nhưng mình vẫn mong Tết để được nghỉ ngơi, ‘xả láng’ với gia đình và bạn bè. Có làm thì có nghỉ, tuổi trẻ mà, ngày nào chả áp lực, chứ đâu phải riêng Tết”. Với Hoàng Quyên (24 tuổi), Tết là một điều rất đỗi thân thuộc và thiêng liêng, nó đủ để khiến cho bạn quên đi những nỗi cô đơn và nhớ nhà và còn là khoảng thời gian nhìn lại một năm cũ đã qua xem mình đã làm được gì và chưa được làm gì. Từ đó làm động lực để “sốc” lại tinh thần và sẵn sàng chiến đấu với những thách thức ở năm tiếp theo.
Tết trở về, đâu chỉ là để nghỉ ngơi, thưởng thức bữa cơm gia đình mà đó còn nhắc nhở người trẻ rằng gia đình chính là mái nhà che nắng che mưa cho họ về nương náu. Tết trở về còn là tìm về nguồn cội, ấu thơ, về gốc rễ tâm hồn của mỗi người. Về nhà ngày Tết là tìm về nơi người trẻ được bỏ đi hết những bộ mặt khác, cởi bỏ những chiếc áo đã khoác lên ngoài xã hội, được bình dị là chính mình.
Niềm tin, sự động viên và tiếp sức từ gia đình trong ngày về đón Tết chính là nguồn động lực lớn nhất trong cuộc sống năm mới. Vậy nên, đừng vì những câu hỏi bâng quơ, đừng vì những kỳ vọng so đo mà đánh mất đi những niềm vui quý báu phút sum vầy, của chính mình và cả những người mà ta thương yêu nhất.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết