Virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp là D1, D2, D3 và D4, nên mỗi người có nguy cơ mắc bệnh 4 lần trong đời. Khi tái mắc sốt xuất huyết có thể sẽ bị nặng hơn lần đầu.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận hơn 314.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 115 trường hợp tử vong.
Những tháng gần đây, số mắc SXH vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó các địa phương ghi nhận số mắc liên tục tăng cao trong các tuần gần đây là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận…
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở tuyến cuối điều trị các bệnh truyền nhiễm, hiện đang điều trị cho hơn 100 trường hợp SXH nặng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 – 20 bệnh nhân nặng nhập viện điều trị.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết trong số các bệnh nhân SXH tử vong được nghiên cứu, có đến 50% bệnh nhân có dấu hiệu sốc từ rất sớm, trong đó có 4 ca ngưng tim.
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận 2 ca tử vong, đều là nam, 31 và 38 tuổi, có địa chỉ tại Hà Nội. Khi được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới ở ngày thứ 5 và 7 của bệnh, cả hai đã rơi vào tình trạng sốc. Dù được điều trị tích cực, lọc máu, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) nhưng tình trạng bệnh quá nặng, cả 2 tử vong sau 6 ngày điều trị.
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết rất nhiều bệnh nhân SXH không hề xuất huyết nhưng vẫn bị giảm tiểu cầu rất nặng và tử vong.
Theo các bác sĩ, trung bình một người có thể mắc SXH đến 4 lần trong đời. Đặc biệt, SXH tái nhiễm lần 2 thường nặng hơn lần đầu, thậm chí có thể gây tử vong.
Lý giải về việc tái nhiễm này, bác sĩ cho biết mắc SXH là do virus Dengue gây ra gồm tuýp là D1, D2, D3 và D4. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do virus dengue tuýp D1 và D2 gây nên, sau đó là D3 và D4. Sau khi mắc SXH, người bệnh sẽ có miễn dịch trọn đời với tuýp virus đã mắc nhưng không có miễn dịch chéo với các tuýp virus còn lại. Do đó, người bệnh vẫn có thể bị SXH tái nhiễm với các tuýp virus khác.
“Ở lần mắc SXH thứ 2, thứ 3 hoặc thứ 4 bệnh nhân mắc bệnh do các tuýp huyết thanh khác. Khi đó, cơ thể người bệnh tồn tại song song 2-3 loại kháng thể. Các loại kháng thể này có thể xảy ra xung đột gây nên phản ứng sốt, đau mỏi, tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, thậm chí là trụy tim”- một bác sĩ giải thích.
Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, cũng lưu ý với trẻ em khi bị mắc SXH lần 2 sẽ là yếu tố nguy cơ cho tiến triển nặng. Bệnh nhân có thể có những diễn biến bất thường hơn, cần được theo dõi sát sao, đặc biệt là trên những bệnh nhân có bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, gan thận… hoặc phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người cao tuổi.
PGS Cường khuyến cáo SXH trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác. Nếu đau mỏi người, sốt cao cần được hạ sốt, giảm đau nhưng nên tránh dùng nhóm thuốc như: Aspirin, ibuprofen vì nó có thể gây chảy máu, không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt. “Nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. Đấy là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện”- PGS Cường lưu ý.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết