Chủ quan không đi khám, không vệ sinh họng miệng, kiêng tắm và quan niệm “hết sốt là khỏi bệnh” khiến nhiều người mắc sốt xuất huyết nặng mà không biết.
Theo các chuyên gia, trong những ngày đầu mắc sốt xuất huyết, bệnh thường có triệu chứng giống với nhiều loại bệnh do vi rút khác như cúm A, Covid-19…
Vì vậy người bệnh khó phát hiện, dễ bị nhầm lẫn và bỏ sót chẩn đoán, dẫn tới không được điều trị kịp thời, khiến bệnh diễn biến nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết rất đa dạng, từ nhiễm không triệu chứng, mức độ nhẹ cho đến mức độ nặng và nguy kịch, thậm chí tử vong.
Theo VnExpress dẫn lời Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng do có một số sai lầm phổ biến dưới đây.
Không vệ sinh họng miệng
Họng miệng đảm nhiệm chức năng giúp hít thở và tiếp nhận thức ăn nạp vào cơ thể. Nếu thức ăn không đảm bảo vệ sinh hoặc hít phải không khí ô nhiễm, chứa nhiều căn nguyên gây bệnh như vi khuẩn, nấm, thì cơ thể sẽ mắc bệnh.
Trong hầu họng có hàng rào bạch huyết gọi là vòng Waldayer. Khi gặp căn nguyên gây bệnh, chúng bảo vệ cơ thể bằng cách sưng lên, tạo thành amidan hoặc các hạch. Tuy nhiên, vi khuẩn vẫn có thể vượt qua hàng rào bảo vệ này để gây bệnh. Ngoài ra, các vi khuẩn còn sinh sống ở vùng răng, miệng, cũng có thể gây bệnh khi cơ thể yếu đi.
Do đó, việc vệ sinh họng miệng khi bị ốm, sốt, đặc biệt sốt xuất huyết rất quan trọng. Nếu vệ sinh kém, vi khuẩn gây viêm lợi, nướu, thậm chí bội nhiễm trên nền sốt xuất huyết. Nhiều trường hợp đã nhập viện khi vừa mắc sốt xuất huyết, vừa bội nhiễm vi khuẩn do không vệ sinh họng miệng đúng cách.
Để bảo vệ họng miệng, mọi người nên đeo khẩu trang khi ở nơi có không khí ô nhiễm hoặc nơi đông người. Trước ăn hoặc sau khi đi vệ sinh, nên rửa tay sạch sẽ, ăn chín uống sôi. Bên cạnh đó, người dân nên súc miệng thường xuyên bằng các nước sát khuẩn thông thường hoặc nước muối.
Nếu sưng viêm đường hô hấp, cần uống nhiều nước và có thể dùng một số thuốc chống viêm phù nề theo hướng dẫn bác sĩ. Lượng nước uống hàng ngày nên là khoảng 2-3 lít, trong môi trường nhiệt độ trung bình từ 25 đến 30 độ C. Mọi người có thể sử dụng nước hoa quả, nước cơm, nước bổ sung muối trên thị trường dành cho dân thể thao.
Không tắm
Những người mắc sốt xuất huyết thường rất mệt mỏi nên có tâm lý không tắm để tránh bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, khi bị sốt, sức đề kháng sẽ giảm, việc không vệ sinh đúng cách có thể dẫn tới bội nhiễm, nguy cơ sốc, suy đa phủ tạng.
Theo bác sĩ Điền, bệnh nhân sốt có thể tắm nhanh hoặc lau người ở phòng kín, tránh gió lùa. Mọi người nên tắm dưới vòi hoa sen trong thời gian ngắn, không nên ngâm mình trong bồn tắm quá lâu.
Hết sốt là khỏi bệnh
Người bệnh sốt xuất huyết thường hết sốt cao sau 3-4 ngày, cảm thấy dễ chịu hơn, sau đó không theo dõi sát tình trạng bệnh. Tuy nhiên, đây là thời gian bệnh có xu hướng trở nặng, theo bác sĩ Điền. Lúc này, bệnh nhân bị thoát huyết tương, tăng thấm thành mạch, có thể có dấu hiệu cảnh báo khác như xuất huyết dưới da, chảy máu cam…
Người bệnh vẫn cần được theo dõi sát và nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động mạnh, đi lại nhiều. Nếu có dấu hiệu như chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng, bồn chồn, vật vã, mọi người nên đến viện nhanh chóng.
Trao đổi với VietNamNet, BS Nguyễn Thị Hiệp- Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng chỉ ra những sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân nhiễm virus Dengue trở nặng thậm chí tử vong.
Chủ quan không đi khám bệnh
Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng.
Đối với sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.
Chỉ mắc bệnh 1 lần trong đời
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 týp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. vì vậy có thể hiểu rằng một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 tuýp virus khác nhau.
Làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết?
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên sau:
– Nằm nghỉ ngơi.
– Ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch oresol, nước trái cây càng tốt; duy trì 1500-2500ml nước/ngày.
– Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu, đồng thời chườm mát cho người bệnh.
– Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều, cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.
– Nếu không có diễn biến bất thường cũng cần đến khám lại theo hẹn của bác sĩ.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết