Đông Nam bộ không chỉ là thủ phủ công nghiệp, mà còn là nơi tập trung nhiều ngôi chùa là điểm đến tâm linh của du khách thập phương.
Chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch Tự)- Tây Ninh: Tọa lạc ở lưng chừng núi Bà Đen, xã Thạnh Tân, cách TP Tây Ninh khoảng 8km theo hướng Tây Nam, có độ cao 200 mét so với mực nước biển.
Núi Bà Đen là một trong 3 ngọn núi (núi Bà, núi Phụng, núi Heo) thuộc quần thể di tích văn hóa – lịch sử núi Bà Đen trải rộng trên 24km2 với hệ thống hang động, đền, chùa vô cùng phong phú. Nổi tiếng nhất là chùa Bà (còn được gọi là Linh Sơn Tiên Thạch) được du khách thập phương biết đến bởi nơi đây gắn liền với những truyền thuyết ly kỳ và có phong cảnh hữu tình.
Xuyên suốt tháng Giêng âm lịch hàng năm cũng là thời gian diễn ra hội xuân trên núi Bà Đen, thu hút hàng vạn du khách đến chiêm bái cầu may. Lễ hội chính diễn ra vào đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng. Từ chân núi Bà Đen, bạn sẽ có 2 cách để lên chùa Bà Đen Tây Ninh cũng như đỉnh núi Bà Đen: leo bộ hoặc ngồi cáp treo.
Chùa Bà Bình Dương (Miếu bà Thiên Hậu): Chùa Bà hiện nay tọa lạc tại số 04 đường Nguyễn Du, TP Thủ Dầu Một và tại phưo Phú Chánh, thị xã Tân Uyên (khu thành phố mới Bình Dương). Chùa do 4 ban người Hoa tạo lập để thờ vị nữ thần hiệu là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Hiện được người ta biết đến với nhiều cái tên khác nhau như chùa Bà Thiên Hậu, miếu bà Thiên Hậu hay Thiên Hậu Cung.
Theo sự tích Thiên Hậu Thánh Mẫu được lưu truyền trong dân gian thì vị nữ thần này có xuất thân từ một cô gái mang tên Lâm Mị Châu sống dưới thời Tống Kiến Long. Người con gái xinh đẹp ấy được sinh ra và lớn lên tại tỉnh Phúc Kiến và là con của một ngư phủ hiền lành.
Ngay khi vừa chào đời, khắp người Lâm Mị Châu đã tỏa ra ánh hào quang sáng chói và cả thứ hương thơm thanh tao thoát tục rất khác với người thường. Mọi chuyện bắt đầu khi Lâm Mị Châu có một chuyến du lịch đến Bình Dương và bắt đầu khởi phát tính tánh linh từ đây.
Lễ cúng vía Bà được tiến hành vào lúc nửa đêm 14 đến sáng 15 tháng Giêng, khách hành hương đa số là người Việt gốc Hoa từ các nơi. Ngôi chùa được trang hoàng cờ và đèn lồng từ cửa tam quan vào đến điện thờ. Mười hai chiếc lồng đèn lớn trang trí đẹp mắt tượng trưng cho 12 tháng trong năm treo thành một hàng dài trước sân chùa, tạo quan cảnh ngày hội thêm lộng lẫy.
Ngày 15, kiệu Bà được rước đi xung quanh trung tâm thành phố Thủ Dầu Một cùng đội múa lân, mọi người làm lễ cúng, lễ cầu phúc, cầu lộc cho năm mới tại chùa và trước nhà mình nơi đoàn rước kiệu Bà đi qua.
Chùa Hội Khánh- Bình Dương: Được tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ công nhận là ngôi chùa có tượng Phật nằm dài nhất Châu Á.
Chùa Hội Khánh được Thiền sư Đại Ngạn (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn năm Cảnh Hưng thứ 2, đời Lê Hiển Tông, tức năm Tân Dậu (1741) ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Lúc đầu chùa được xây trên một ngọn đồi cao, nhưng vào năm 1861 nó bị phá hủy trong chiến tranh. Chùa được thầy Thích Chánh Đắc xây lại dưới chân đồi khoảng 100 m cách vị trí cũ. Địa chỉ của chùa hiện tại là 29 đường Chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một.
Đặc biệt, Chùa Hội Khánh ở Bình Dương còn gắn với hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Năm 1923 – 1926, cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng với cụ Tú Cúc (Phan Đình Viện) và Hòa thượng Từ Văn đã sáng lập ra Hội Danh Dự tại đây.
Trong Chùa Hội Khánh còn giữ được bộ mộc bản in kinh khắc năm 1885, đây được xem là bộ mộc bản có niên đại sớm nhất ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ được một số bộ kinh Phật như kinh A Di đà, Hồng danh, Vu lan, Bát dương, Phổ môn – những bộ kinh được ấn tống cho các chùa Nam Bộ khá sớm.
Ngoài ra, chùa Hội Khánh còn có hai bức phù điêu chạm hình các vị La Hán và Bồ Tát, đây là công trình điêu khắc tuyệt mỹ, có giá trị nghệ thuật cao, cùng bức phù điêu “tứ thời” ốp vào hai cột trước Chánh điện, hay Đại hồng chung được đúc vào năm 1883…
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết