Không ít người mắc sai lầm khi cho rằng thận chỉ quan trọng với nam giới. Đây cũng là nguyên nhân nhiều chị em ít quan tâm đến chăm sóc thận và dễ bỏ qua các dấu hiệu bệnh tật của nó.
Thận là một trong những cơ quan quan trọng nhưng cũng dễ bị tổn thương của con người. Ngoài chức năng được đa số chúng ta quan tâm là duy trì đời sống tình dục thì thận còn có nhiều trách nhiệm khác. Bao gồm lọc máu, sản xuất hormone, hấp thu các chất khoáng, tạo ra nước tiểu, loại trừ các chất thải và trung hòa axit, điều hòa huyết áp.
Do môi trường và lối sống hiện đại thay đổi nhanh, bệnh về thận cũng ngày càng phổ biến hơn, nhất là bệnh suy thận. Tuy nhiên, điều đáng lo là suy thận diễn ra âm thầm và tiến triển nặng rất nhanh.
Bệnh này khó chữa dứt điểm, có thể khiến chúng ta đau đớn và khổ sở cả đời với việc chạy thận. Ngay cả ghép thận cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tăng nguy cơ mắc bệnh khác (đặc biệt là tim mạch) và yêu cầu khắt khe hơn trong chăm sóc mãi về sau. Trong khi so với nam giới, phụ nữ thường đánh giá thấp chức năng và chủ quan với các bất thường cảnh báo bệnh thận.
Để không phải hối hận vì bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất, dù nam hay nữ cũng đừng bỏ qua 3 dấu hiệu suy thận sớm khi đi tiểu sau đây:
1. Lượng nước tiểu giảm
Lượng nước tiểu 24 giờ của một người trưởng thành bình thường là 1000 – 2000ml. Nếu lượng nước tiểu giảm đột ngột hoặc giảm trong nhiều ngày, chúng ta cần xem xét 2 yếu tố.
Một là yếu tố sinh lý, như uống không đủ nước hay đổ mồ hôi nhiều… Và thứ hai là yếu tố bệnh lý, chẳng hạn như bệnh hệ tiết niệu, thận có biến đổi lớn hoặc bệnh khác. Trường hợp này lượng nước tiểu 24 giờ dưới 400ml là thiểu niệu, dưới 100ml là vô niệu.
Còn với bệnh nhân suy thận, sẽ thường bị giảm lượng nước tiểu mà không có nguyên nhân rõ ràng trong giai đoạn đầu. Điều này thực sự có nghĩa là chức năng bài tiết của thận đã bị tổn thương. Nếu không nhanh chóng can thiệp, suy thận sẽ nhanh chóng diễn tiến và gây ra nhiều bất thường cục bộ cho toàn cơ thể.
2. Nước tiểu có bọt
Nhiều người cho rằng đây chỉ là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể nên chủ quan bỏ qua. Tuy nhiên, đa số trường hợp nước tiểu có bọt, đều là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý trong cơ thể, nhất là vấn đề ở hệ tiết niệu.
Nếu tình trạng trong nước tiểu có nhiều bọt bóng nổi lên chỉ xuất hiện một hai lần thì đó có thể là do tác động cơ học hoặc chuyển hóa chất tạo nên. Tình trạng này nhanh chóng mất đi thì bạn có thể yên tâm. Tuy nhiên, trường hợp nước tiểu nổi bọt xuất hiện nhiều lần và kéo dài, bạn cần phải đi khám thận càng sớm càng tốt.
Bởi vì thận là cơ quan chính tạo ra nước tiểu nên bất kể vấn đề nào xảy ra tại đây đều ảnh hưởng tính chất của sản phẩm được sản xuất cũng như quá trình đào thải ra môi trường. Những trường hợp như nhiễm trùng thận, viêm thận, suy thận, sỏi,… đều có thể gây ra hiện tượng nước tiểu nổi bọt.
Ngoài ra, nước tiểu có bọt cũng có thể là do bệnh lý khác như tiểu đường, nhiễm trùng đường tiểu, huyết áp hoặc protein niệu quá cao.
3. Nước tiểu có máu
Nước tiểu có máu hoặc tiểu ra máu được chia thành tiểu ra máu thật và tiểu ra máu giả. Tiểu ra máu giả nói chung là do sinh lý, chẳng hạn như nước tiểu trong kỳ kinh nguyệt của phụ nữ hoặc ăn nhiều chất màu. Tiểu máu thực sự cũng có thể được chia thành 2 loại. Một là tiểu máu vi thể trong đó các tế bào hồng cầu chỉ có thể được quan sát dưới kính hiển vi và tiểu máu đại thể có thể được quan sát bằng mắt thường.
Thận khỏe mạnh thường giữ các tế bào máu trong cơ thể khi lọc chất thải qua nước tiểu. Nhưng khi các bộ lọc của thận đã bị hư hại, các tế bào máu này có thể bị thất thoát vào trong nước tiểu. Chức năng thận suy yếu sẽ làm các chất thải và lượng chất độc đọng lại trong máu, gây hại cho cơ thể. Đồng thời, máu đúng ra phải được lọc giữ lại thì có một số tế bào bị rò rỉ ra ngoài, dẫn đến đi tiểu ra máu.
Ở bệnh nhân suy thận mãn tính do bệnh thận đa nang, việc vỡ nang thường khiến hồng cầu đi vào ống thận thông qua chức năng lọc của cầu thận. Hồng cầu trong ống thận bị vỡ ra gây ra một lượng lớn huyết sắc tố đi vào nước tiểu khiến bệnh nhân tiểu ra chất lỏng đỏ như máu kèm cảm giác đau buốt, khó chịu.
Ngoài 3 triệu chứng điển hình trên, suy thận còn gây tiểu đêm nhiều hơn, ngáy to và kéo dài, khó thở, đau lưng, bị hôi miệng. Hoặc những triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, phù nề, suy nhược cơ thể, da phát ban và ngứa ngáy…
Làm thế nào để ngăn ngừa suy thận
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận: ăn nhiều muối, nhiều đường, ăn nhiều chất đạm, chất mỡ; ăn ít rau quả, ít vận động, trầm cảm, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, thực phẩm chứa hóa chất… Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh suy thận cần phải thay đổi lối sống sao cho lành mạnh hơn bằng cách tránh những thói quen xấu này.
Đồng thời, hãy luôn kiểm soát nồng độ đường và cholesterol trong máu cũng như duy trì cân nặng lý tưởng, ổn định. Uống đủ 1,5 – 2 lít nước trong một ngày, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc vận động ra nhiều mồ hôi. Nhớ tập thể dục thường xuyên, không nhịn tiểu và điều độ trong quan hệ tình dục.
Ngoài ra, đừng lạm dụng thuốc. Đặc biệt, một số thuốc điều trị bệnh có thể gây tổn thương thận, nhất là khi dùng dài ngày, liều không thích hợp. Một số rối loạn chuyển hóa, bệnh lý về niệu thận, như: sỏi thận, trướng nước thận, viêm bể thận… Nếu không điều trị tốt, các bệnh này sẽ ảnh hưởng chức năng thận, dần dần gây biến chứng suy thận mạn.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết