Sau 5 ngày thực hiện thu phí không dừng (ETC), nhiều chủ xe, tài xế đã bức xúc khi lưu thông trên 4 tuyến cao tốc của Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, do yêu cầu phải có số dư cao trong tài khoản mới được lưu thông qua trạm.
Số dư vượt nhưng vẫn không được qua trạm
Từ 1/8, bốn tuyến cao tốc do VEC quản lý (gồm: Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ – Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) áp dụng thu phí không dừng (ETC). Sau 5 ngày áp dụng, nhiều chủ xe tỏ ra khá bức xúc trước việc VEC yêu cầu phải nộp tiền vào tài khoản ETC với mức “sàn” khá cao thì mới được lưu thông trên cao tốc. Trong khi đó, quy định của cơ quan quản lý nhà nước không yêu cầu việc này và các tuyến cao tốc khác không có quy định như vậy.
Cụ thể, để vào được cao tốc Nội Bài – Lào Cai trong mấy ngày qua, dù đi chặng đường ngắn chỉ hết 20 – 30 nghìn đồng/lượt ô tô, nhưng VEC vẫn yêu cầu chủ xe phải nộp vào tài khoản ETC ít nhất 150 nghìn đồng. Nếu không hệ thống barie tại các làn thu phí không dừng sẽ không mở để lái xe ra, vào cao tốc. Nhiều chủ xe chỉ đi quãng đường ngắn như từ các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc về Hà Nội và ngược lại, phí chỉ mất 20 – 50 nghìn đồng/lượt với xe dưới 9 chỗ, trong tài khoản có 50 – 100 nghìn đồng nhưng vẫn không thể đi qua trạm thu phí. Giải thích về việc này, nhân viên trạm thu phí nói chủ xe phải nộp vào tài khoản ETC tối thiểu là 150 nghìn đồng.
Để bảo đảm hệ thống thu phí ETC hoạt động đồng bộ, hiệu quả, an toàn, ngày 5/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý triệt để các bất cập của hệ thống thu phí ETC, nhất là trên các tuyến cao tốc và các tuyến đường giao thông huyết mạch. Phó Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ Công an thực hiện trích xuất dữ liệu từ hệ thống thu phí ETC để xử phạt nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn thu phí ETC gây ùn tắc giao thông.
Văn Kiên
Thực tế trên khiến nhiều tài xế, chủ xe bức xúc và cho rằng, VEC đang áp đặt, đưa ra luật riêng để buộc chủ xe phải nộp mức tiền lớn vào tài khoản ETC không cần thiết. “VEC làm vậy là ép buộc, không phải phục vụ người dân. Chúng tôi đi nhiều tuyến cao tốc trên cả nước đã triển khai ETC nhưng không có tuyến nào quy định mức nộp tiền như Nội Bài – Lào Cai”, anh Hoàn, một tài xế xe tải ở phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm (Hà Nội), bức xúc nói.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngoài cao tốc Nội Bài – Lào Cai, các tuyến cao tốc khác của VEC đang quản lý cũng áp dụng mức phí chủ xe phải nộp trong tài khoản khá cao khi muốn đi vào, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là 100 nghìn đồng.
Sai quy định nhà nước
Lý giải sự việc trên, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC cho biết, xe đi vào 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý từ 1/8 phải có đủ số dư trong tài khoản ETC tối thiểu là 50% mức phí chặng dài nhất của xe loại 1 (xe dưới 9 chỗ) trên từng tuyến cao tốc. Việc quy định số dư tối thiểu trong tài khoản giao thông nhằm tối ưu xử lý xe ở đầu ra, tránh thiếu tiền dẫn tới ùn tắc, gây khó khăn cho phương tiện khác (?).
Nhiều xe phải “gỡ rối” tại trạm
Sau 5 ngày triển khai thu phí ETC tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, vẫn còn không ít xe qua trạm gặp trục trặc như không đọc, không nhận diện được thẻ ETC. Theo đại diện Ban quản lý (BQL) dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố này như thẻ đã dán quá lâu nhưng giờ mới kích hoạt; dán ở vị trí khuất. Ngoài ra, hệ thống kỹ thuật mới đi vào hoạt động nên chưa thể chạy trơn tru.
Về số dư trong tài khoản, đại diện BQL cho hay, nhiều xe cá nhân đã phản ứng vì sao đi một chặng, với mức phí vài chục ngàn phải có số dư trong tài khoản tối thiểu gần 200 nghìn đồng? “Nếu không có tiền đủ yêu cầu trong tài khoản, lái xe phải dừng lại, thao tác nộp tiền để tiếp tục hành trình. Như vậy vừa mất thời gian, vừa tăng thêm nguy cơ gây ùn tắc, nhất là trong giờ cao điểm. Thời gian đầu chưa chú trọng xử phạt mà chúng tôi khuyến cáo, nhắc nhở lái xe chấp hành các yêu cầu khi tham gia giao thông trên cao tốc”, vị này nói. (THANH TRẦN)
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, chủ trương thu phí đường bộ bằng hình thức công nghệ điện tử để tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại, minh bạch trong thu chi của Chính phủ là rất rõ ràng. Với việc xe đã tham gia dán thẻ ETC để đi vào cao tốc, Nghị định 109 và Nghị định 123 nêu rõ: Xe đi vào cao tốc không đủ tiền trong tài khoản để thanh toán bị xử phạt 2 đến 4 triệu đồng, tước bằng lái từ 2 đến 3 tháng. Như vậy, việc xe đã dán thẻ và đi vào cao tốc đã có chế tài, các lực lượng có thẩm quyền làm nhiệm vụ trên đường có nhiệm vụ giám sát, xử lý. Với các nhà đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ có nhiệm vụ là đảm bảo giao thông, duy trì an ninh trật tự, hệ thống vận hành tốt để xe đi lại trên cao tốc thuận tiện.
Việc nhà đầu tư VEC ra văn bản yêu cầu chủ xe phải nộp tiền vào tài khoản và ấn định mức tiền trong tài khoản là áp đặt, lạm quyền, làm sai quy định của Nhà nước. “Cùng với việc chuyển tiền vào tài khoản ETC phải mất phí cao, tiền nộp vào tài khoản ETC chưa có cơ chế tính lãi suất cho người dân, nay VEC tự quy định thêm chủ xe phải nộp mức phí đảm bảo đi được 50% hành trình cả tuyến cao tốc là vô lý, không một quy định nào cho phép như thế”, ông Liên nhấn mạnh.
Đại diện Tổng cục Đường bộ: VEC phải xem lại quy định này
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Giám đốc Cty TNHH Thu phí tự động VETC (đơn vị đang cung cấp dịch vụ và công nghệ thu phí ETC trên cả 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý) cho biết, việc chủ xe, tài xế phải nộp số tiền để đảm bảo đi được tối thiểu 50% quãng đường trên một tuyến cao tốc là yêu cầu của VEC đối với VETC. Là đơn vị trúng thầu cung cấp dịch vụ công nghệ thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc của VEC, VETC phải thực hiện các yêu cầu VEC đưa ra.
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 5/8, một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, việc nộp tiền và duy trì số dư trong tài khoản ETC là trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ tài khoản. Chủ phương tiện khi lưu thông vào cao tốc phải xác định được quãng đường mình đi để duy trì số dư phù hợp, không gây cản trở thanh toán, lưu thông tại các trạm thu phí. Nếu lái xe để xảy ra trường hợp tài khoản hết tiền, không đủ số dư để thanh toán cho quãng đường phương tiện của mình vừa lưu thông gây đứt mạch thanh toán, làm ùn tắc giao thông, chủ xe, tài xế sẽ bị xử phạt theo quy định.
“VEC phải xem lại quy định này và điều chỉnh ngay cho phù hợp. Hiện không có quy định nào nêu việc nhà đầu tư, đơn vị quản lý trạm yêu cầu chủ xe, tài xế phải nộp bao nhiêu tiền trong tài khoản ETC trước khi lưu thông vào cao tốc mình quản lý”, đại diện Tổng cục ĐBVN cho biết thêm.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết