Sét đánh trúng một bể chứa dầu có sức chứa 300.000 thùng tại cụm 8 bể chứa khổng lồ gần cảng Matanzas ở Cuba hôm 5-8, làm bùng lên ngọn lửa mà Reuters mô tả là “địa ngục”.
Sang ngày 6-8, lửa lan sang bể thứ 2 và đe dọa bể thứ 3, kèm theo 2 vụ nổ lớn khiến hơn 120 người bị thương, 1 người chết và 17 lính cứu hỏa mất tích. Nhà khí tượng học địa phương Elier Pila ước tính đám mây khói đen dài tới 150 km.
Theo cập nhật ngày 7-8 của AP, lực lượng cứu hỏa Cuba, Mexico và Venezuela vẫn đang cố khống chế đám cháy, ngăn nó nuốt chửng các bồn chứa còn lại. Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel gửi lời cảm ơn 2 quốc gia nói trên cũng như hỗ trợ vật chất từ Nga, Nicaragua, Argentina, Chile cùng đề nghị hỗ trợ kỹ thuật từ Mỹ.
Một bi kịch khác do sét đã xảy ra gần Nhà Trắng ngày 5-8, khiến 3 người chết và 1 người đang nguy kịch. Những cảnh báo về sét đã được đưa ra khi thủ đô Washington DC của Mỹ trải qua những ngày rất nóng ẩm từ hôm 4-8, nhiệt độ trung bình là 34 độ C, cao hơn tới 3 độ C so với nhiệt độ tối đa của các ngày 4-8 trong 30 năm về trước.
Nhiều nhiệt hơn làm tăng hơi ẩm bị hút vào bầu khí quyển, tăng tốc dòng không khí đối lưu – 2 yếu tố quan trọng đối với các hạt mang điện, dẫn đến sét. Reuters trích dẫn một nghiên cứu công bố từ năm 2014 trên Nature cảnh báo lượng sét có thể tăng 50% trong thế kỷ này ở Mỹ, với mỗi 1 độ C nóng thêm tương đương tăng 12% lượt sét đánh.
Báo cáo sét của Công ty Vaisala (Phần Lan) hồi đầu năm nay, dẫn dắt bởi nhà khí tượng học Chris Vagasky, cho thấy ngay cả vùng Bắc Cực – các vĩ độ ít sét nhất Trái Đất – cũng đã hứng tới 7.278 tia sét trong năm 2021, gần gấp đôi lượng sét của 9 năm trước cộng lại.
Một ví dụ khác là Ấn Độ, đất nước có nhiều vùng nóng bậc nhất thế giới, đã có 1.697 người thiệt mạng do sét đánh trong năm 2020, với số cơn sét tăng 34% so với năm trước đó. Một cảnh báo từ Trường ĐH Patna tháng 4-2022 cho thấy toàn bang Bihar của Ấn Độ ngày càng có nhiều người và động vật chết vì sét đánh, do các đám mây vũ tích dày đặc hơn so với mây tích tầng, khiến tần suất sét và giông tăng cao, mà nguyên nhân sâu xa là biến đổi khí hậu.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết