Đến hạn trả tiền, nếu khách hàng chậm nộp, nhân viên công ty sẽ gọi điện chửi mắng, thậm chí ghép ảnh nhạy cảm gây áp lực.
Ngày 20-11, Công an TP HCM cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Thắng, làm việc tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset, cùng 12 đồng phạm về tội “Vu khống” theo điều 156 Bộ Luật Hình sự.
Xúc phạm bất chấp
Trước đó, Ban Giám đốc Công an TP HCM chỉ đạo các phòng nghiệp vụ kiểm tra hành chính văn phòng Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset. Đây là công ty nước ngoài có trụ sở chính tại quận 1, do một người Hàn Quốc tên L.J. làm tổng giám đốc.
Công ty này được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập, có chức năng “cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng”.
Khi có nhu cầu vay, khách hàng phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký hợp đồng vay với công ty, lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hằng tháng.
Từ ngày 1-8-2016 đến nay, công ty thuê văn phòng tại lầu 4, cao ốc H3 (phường 6, quận 4) để hoạt động thu hồi nợ. Đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ.
Trong đó, với nhóm nợ trên 180 ngày, các nhân viên gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân của họ rồi ghép vào ảnh cáo phó, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo… để gửi cho bất cứ ai quen biết với người vay nhằm gây sức ép buộc trả nợ.
Từng là nạn nhân của trò “bẩn” của một công ty tài chính, thạc sĩ Ph.H.P (quê Tiền Giang) bức xúc: “Tôi không vay tiền qua ứng dụng nhưng một nhóm đòi nợ đã lấy ảnh đại diện Facebook của tôi rồi ghép những thông tin tục tĩu cùng chứng minh nhân dân của tôi sau đó phát tán trên mạng. Tôi giật mình vì bạn bè gửi những tấm hình mà nhóm đòi nợ đã thực hiện…”.
Tương tự, bà Ng.Th.Th.N (ngụ quận 10) cũng từng ăn không ngon, ngủ không yên vì liên tục nhận được những tin nhắn đe dọa dung tục, sặc mùi giang hồ của số điện thoại lạ.
“Chúng gửi tin vào điện thoại yêu cầu gia đình phải có trách nhiệm trả nợ cho một người. Ban đầu tôi có giải thích mình không hề biết người vay tiền nhưng bọn chúng không chịu buông tha. Đến khi tôi làm đơn yêu cầu can thiệp thì những tin nhắn đe dọa mới chấm dứt” – bà Thu N. chia sẻ.
Làm gì khi bị hăm dọa?
Nói về chiêu trò thu hồi nợ, thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM, cho biết các đối tượng sẽ xâm nhập vào danh bạ, tài khoản mạng xã hội của người vay sau đó nhắn tin, gọi điện “khủng bố” người thân, đồng nghiệp người vay.
“Các nhân viên đòi nợ được hưởng 30% trên tổng số tiền thu nợ đòi được của khách hàng. Người dân cần cẩn thận, không vay tiền qua các app trên mạng xã hội. Người lao động làm việc cho các công ty tài chính phải tuân thủ pháp luật, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm” – thiếu tá Nguyễn Thành Hưng khuyến cáo.
Báo cáo tại phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2023, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP HCM, cảnh báo dịp cuối năm tội phạm “tín dụng đen” sẽ phát triển mạnh vì nhu cầu chi tiêu cuối năm tăng, một số người thất nghiệp muốn vay tiền trang trải cuộc sống…
Thiếu tướng Lê Hồng Nam cho biết thời gian qua Công an TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chủ động tuyên truyền đến người dân về phương thức, thủ đoạn của “tín dụng đen”. Đồng thời, Công an TP HCM cũng đã kịp thời phát hiện các cá nhân, công ty cho vay nặng lãi để xử lý nghiêm.
“Vừa qua, chúng tôi đã triệt phá một tụ điểm có văn phòng làm việc tại quận 12. Điều đáng nói văn phòng chỉ rộng khoảng 300 m2 nhưng có đến 220 nhân viên làm việc, hằng ngày gọi điện “khủng bố” tinh thần, đòi nợ.
Sắp tới, Công an TP HCM sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM chú ý các doanh nghiệp khi đăng ký ngành nghề có liên quan đến tài chính… Phải chủ động phát hiện ngay từ đầu” – Thiếu tướng Lê Hồng Nam thông tin thêm.
Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM khuyến cáo người dân khi bị quấy rối, đe dọa, vu khống nên lưu lại số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn. “Các cá nhân, tổ chức có thể gửi đơn kèm chứng cứ đến Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để kiến nghị giải quyết hành vi vi phạm về lĩnh vực ngân hàng.
Cá nhân, tổ chức cũng có thể gửi đơn trình báo, tố cáo đến cơ quan công an, Sở Thông tin và Truyền thông để được hỗ trợ xử lý về hành vi sử dụng dịch vụ viễn thông đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” – Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM lưu ý.
Cần mạnh dạn tố cáo
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ – Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM – nhìn nhận mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh bảo về những hệ lụy từ việc vay tiền qua ứng dụng nhưng nhiều người vì những lý do khác nhau đã nhắm mắt vay.
Theo bà Nhuệ, chỉ cần đồng ý với điều khoản khi vay tiền, người dân đã tự cho công ty quyền truy cập danh bạ điện thoại và nếu không trả nợ đúng hạn sẽ liên tục bị chửi bới, thậm chí gọi điện cho lãnh đạo cơ quan, công ty nơi làm việc.
Do đó, khi bị rơi vào vòng xoáy nợ nần vì vay qua ứng dụng, người dân hãy mạnh dạn tố cáo đến công an gần nhất hoặc Công an TP HCM, VKSND TP HCM để được hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
Hăm dọa sau khi cho vay lãi “cắt cổ”
Ngày 20-11, Công an TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp Phùng Văn Hiếu, Hoàng Văn Kiên (cùng ngụ tỉnh Hải Dương), Vũ Minh Phúc (quê Lâm Đồng), Nguyễn Đức Lưu (quê Quảng Ninh) về hành vi cho vay nặng lãi.
Công an xác định từ tháng 4-2022, Hiếu, Kiên, Phúc, Lưu thuê nhà trọ ở TP Tây Ninh để ở và hành nghề cho vay nặng lãi. Nhóm này quảng cáo trên các trang mạng xã hội kèm với số điện thoại để người vay liên hệ.
Khi người vay tiền trốn trả nợ hoặc trả chậm, những thanh niên này sẽ điện thoại hăm dọa, tạo áp lực để buộc người vay trả tiền. Đến khi bị bắt giữ, nhóm này đã cho khoảng 40 người vay với số tiền trên 300 triệu đồng, thu lợi bất chính hơn 50 triệu đồng.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết