Ngày hết hạn (hay hết ‘date’) không hoàn toàn là chỉ ngày thực phẩm bị hỏng, mà là cách để người tiêu dùng lựa chọn có nên ăn hay không. Trên thực tế, nhiều sản phẩm vẫn có thể ăn được dù đã quá hạn sử dụng.
Hạn sử dụng của thực phẩm là thời hạn giữ được chất lượng thực phẩm tốt nhất theo khuyến cáo của các nhà sản xuất đối với người tiêu dùng.
Tại Mỹ, ý nghĩa thực sự của hạn sử dụng rất khác nhau, đặc biệt là do không có sự giám sát của liên bang đối với việc ghi nhãn.
Ví dụ, sữa ở bang Idaho có thể được các cửa hàng tạp hóa bán muộn hơn 10 ngày so với ở Montana lân cận. Một số bang, chẳng hạn như New York và Tennessee, hoàn toàn không yêu cầu nhãn hạn sử dụng.
Nhãn ghi hạn sử dụng ở Mỹ đã trở nên lộn xộn như thế kể từ khi chúng xuất hiện vào những năm 1970. Vào thời điểm đó, hầu hết người Mỹ đã bắt đầu dựa vào các cửa hàng tạp hóa để mua thực phẩm, và dựa vào các nhà sản xuất để biết về độ tươi của thực phẩm.
Giờ đây, “phần lớn người tiêu dùng nghĩ rằng những nhãn này có liên quan đến sự an toàn”, bà Emily Broad Leib, giáo sư luật Harvard và là giám đốc sáng lập của Phòng khám Chính sách và luật thực phẩm, nói.
Một nghiên cứu mà bà Leib là đồng tác giả nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy ít nhất 84% người Mỹ vứt bỏ thực phẩm gần đến ngày ghi trên bao bì.
Tuy nhiên, chất lượng và an toàn là hai điều rất khác nhau. Nhiều sản phẩm có thể ăn được, dù đã quá hạn sử dụng từ lâu.
Bà Broad Leib lấy ví dụ sữa, một trong những loại thực phẩm bị lãng phí nhiều nhất trên thế giới. Theo bà, sữa bị chua hoặc đông lại hoàn toàn có thể an toàn để tiêu thụ. Trên thực tế, nó có thể là nguyên liệu làm bánh kếp, bánh quy mềm và mặt nạ làm mềm da.
“Sữa là một trong những loại thực phẩm an toàn nhất trên thị trường vì quá trình thanh trùng sẽ giết chết tất cả vi trùng”, bà nói.
Nguyên tắc chung của bà Leib đối với các mặt hàng làm lạnh khác là bất cứ thứ gì được đưa vào bếp hoặc lò nướng đều an toàn sau ngày hết hạn, miễn là nó không có mùi hoặc trông kỳ lạ. Nói cách khác, nấu ăn là một “bước tiêu diệt” những “kẻ xen ngang” có hại, nếu nó được thực hiện đúng cách.
Thực phẩm được coi là không an toàn nếu mang mầm bệnh như listeria, E. coli hoặc salmonella. Những mầm bệnh này xâm nhập vào thực phẩm thông qua ô nhiễm, chẳng hạn như khi nước nhiễm vi khuẩn E. coli và sau đó được dùng để tưới rau.
Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm mà phụ nữ mang thai nên tránh khi chúng đã “hết date”, gồm thịt nguội, cá sống, rau mầm, sữa và pho mát chưa tiệt trùng.
Theo giáo sư Brian Roe tại Trung tâm Đổi mới thực phẩm của Đại học bang Ohio, những thứ này có thể chứa vi khuẩn listeria (loại vi khuẩn không nhìn thấy được bằng cảm quan) và thường được sản xuất lạnh, nghĩa là chúng không trải qua bước tiêu diệt vi khuẩn trước khi được đưa ra phục vụ.
Theo trang The Atlantic, lãng phí thực phẩm từ lâu là một vấn đề lớn liên quan đến khí hậu. Lượng khí thải hằng năm từ thực phẩm thối rữa ở Mỹ xấp xỉ bằng lượng phát thải của 42 nhà máy điện đốt than.
Mặt khác, với tác động tàn khốc của lạm phát, đó cũng là một vấn đề đối với ví tiền của người tiêu dùng.
Ông Zach Conrad, trợ lý giáo sư về hệ thống thực phẩm tại Đại học William and Mary, cho biết mọi người lãng phí khoảng 1.300 USD/năm do thực phẩm “hết date”.
Tổ chức phi lợi nhuận về rác thải thực phẩm ReFED ước tính có khoảng 138 triệu kg thực phẩm bị loại bỏ một cách không cần thiết trong lễ Tạ ơn tại Mỹ.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết