Khi thời tiết trở lạnh mọi người nên lựa chọn những thực phẩm giúp cơ thể sinh nhiệt để giữ ấm cơ thể, tăng cường miễn dịch. Như vậy, vừa giúp cơ thể dễ chịu, ấm áp lại giúp phòng ngừa các bệnh mùa đông như cảm lạnh, cảm cúm,…
Thực phẩm bạn ăn sẽ ảnh hưởng đến cơ thể của bạn. Khi nhiệt độ giảm và thời tiết bắt đầu trở lạnh, bạn nên cung cấp năng lượng cho cơ thể bằng những thực phẩm có thể tăng nhiệt. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy ấm áp và mạnh khỏe hơn.
9 thực phẩm giúp giữ ấm cơ thể và tăng cường miễn dịch
Thức ăn mất nhiều thời gian để tiêu hóa có thể giúp tăng nhiệt độ cơ thể và khiến bạn cảm thấy ấm hơn. Thuật ngữ y học gọi quá trình này là sinh nhiệt, là quá trình cơ thể tạo ra nhiệt do chuyển hóa thức ăn.
Vì vậy, bạn nên lựa chọn những thực phẩm có nhiều chất béo lành mạnh, protein và carbohydrate.
1. Chuối
Chuối chứa một lượng chất xơ vừa phải và một số chất chống oxy hóa, vitamin C, Kali, Folate,… có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe như cải thiện lượng đường trong máu, hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hoá, sức khỏe tim mạch,…
Ngoài ra, chuối còn chứa nhiều vitamin B và magie, rất quan trọng để tuyến giáp và tuyến thượng thận hoạt động tốt. Những tuyến này có tác dụng giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
2. Trà gừng
Gừng là một trong những nguyên liệu phổ biến được sử dụng làm gia vị và là vị thuốc. Trong y học dân gian, người ta thường dùng gừng để trị ho, cảm cúm và một số bệnh khác.
Hơn nữa, gừng cũng được biết đến là thực phẩm tốt cho sức khỏe tiêu hóa và có thể kích thích sinh nhiệt, giúp bạn cảm thấy ấm hơn.
Cách làm trà gừng rất đơn giản, bạn chỉ cần rửa và gọt sạch vỏ gừng, thát lát thành miếng nhỏ và đem đun sôi với nước, ủ trong khoảng 10 phút rồi tắt bếp, nếu thích bạn có thể cho thêm một thìa mật ong để tăng hương vị.
3. Yến mạch
Yến mạch là một loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt, thường được dùng vào bữa sáng. Yến mạch là nguồn cung cấp carbs, chất xơ dồi dào, protein, vitamin, khoáng chất, hợp chất thực vật chống oxy hóa quan trọng và cân bằng tốt của các axit amin thiết yếu.
Vì vậy, ăn yến mạch thường xuyên bổ sung dồi dào nguồn dinh dưỡng cho cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe.
Ngoài ra, mỗi sáng vào thời tiết lạnh, bạn nên pha một cốc bột yến mạch ấm để thưởng thức. Như vậy sẽ giúp cơ thể cảm thấy thoải mái và đỡ lạnh hơn.
4. Khoai lang
Khoai lang và các loại rau củ cần nhiều thời gian để tiêu hoá, do đó sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể của bạn.
Đặc biệt, khoai lang chứa một lượng lớn vitamin A, vitamin C và mangan – đây là những chất có đặc tính chống ung thư và có thể thúc đẩy chức năng miễn dịch, sức khỏe đường ruột, chức năng não và sức khỏe của mắt.
Khoai lang có thể được chế biến với nhiều cách như luộc, nướng, nấu canh, làm bánh,…
5. Bí đỏ
Bí đỏ là món ăn có thể được nấu thành cháo, canh, súp,… giúp làm ấm cơ thể vào mùa đông.
Bí ngô còn là một loại thực phẩm vô cùng bổ dưỡng, có nhiều chất dinh dưỡng như giàu vitamin và khoáng chất và tương đối ít calo.
Thêm nữa, vitamin A có trong bí ngô ở dạng tiền chất vitamin A beta carotene và alpha carotene. Cơ thể bạn có thể biến những chất chống oxy hóa mạnh mẽ này thành vitamin A sau khi bạn tiêu thụ chúng. Vitamin này rất tốt cho mắt và sức khỏe tổng thể.
6. Các loại thảo mộc và gia vị
Một số gia vị hoặc thảo mộc thường được sử dụng trong mùa đông có tác dụng làm tăng nhiệt độ cơ thể như hạt tiêu, gừng, tỏi, húng quế, gừng,…
Trong các loại gia vị và thảo mộc này, gừng và tỏi còn có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn, kháng virus nên rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa một số bệnh hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm,…
7. Đậu đen
Đậu đen có chứa nhiều protein và chất xơ nên giúp bạn no lâu. Hơn nữa, đậu đen chứa rất nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như magie, sắt, phốt pho, vitamin B6, folate,… Ăn đậu đen thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, quản lý lượng đường trong máu,…
Các bữa ăn giàu chất đạm sẽ sinh nhiệt tốt hơn so với các bữa ăn giàu chất béo, nên ăn những thực phẩm giàu đạm sẽ giúp cơ thể bạn ấm áp hơn.
Mọi người có thể nấu chè đỗ đen và ăn khi còn ấm nóng để giúp cơ thể dễ chịu hơn.
8. Quế
Quế là gia vị thường được cho vào các món ăn giúp làm tăng hương vị và giúp cơ thể ấm áp hơn vì đặc tính sinh nhiệt của quế. Ngoài ra, quế còn giúp tăng cường trí nhớ, giảm lượng đường trong máu, chống viêm, chống oxy hoá, ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm,…
Mọi người có thể cho quế vào các món ăn hoặc dùng bột quế pha trà. Tuy nhiên, quế có tính nóng nên mọi người nên dùng với lượng vừa đủ, tránh để cơ thể bị nóng.
9. Thịt đỏ
Thịt đỏ, chẳng hạn như thịt bò, thịt cừu và thịt lợn, là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào. Sắt là một khoáng chất quan trọng giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Những người có lượng sắt thấp có thể nhận thấy bàn tay và bàn chân lạnh hoặc dễ cảm thấy mệt mỏi.
Ăn thịt đỏ cũng có thể cung cấp vitamin B12, góp phần giúp các dây thần kinh khỏe mạnh và hệ thống miễn dịch mạnh mẽ.
Ngoài những thực phẩm trên, để giữ ấm cho cơ thể, các bạn có thể uống nước ấm và bổ sung đủ nước cho cơ thể. Nước giữ cho cơ thể hoạt động tốt và giúp điều chỉnh nhiệt độ bên trong cơ thể. Mất nước có thể dẫn đến tình trạng hạ thân nhiệt, nên bạn sẽ cảm thấy lạnh hơn.
Trên đây là những thực phẩm giúp cơ thể sinh nhiệt, tăng nhiệt độ cơ thể nên sẽ giúp mọi người cảm thấy ấm hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo cho sức khoẻ, mọi người nên bổ sung thêm các dưỡng chất từ những thực phẩm khác, phòng nguy cơ bị thiếu hụt dinh dưỡng, chẳng hạn như rau xanh, hoa quả, trứng gà, sữa,…
2. Một số biện pháp khác giúp giữ ấm cho cơ thể
Ngoài việc bổ sung những thực phẩm có tác dụng làm tăng nhiệt cơ thể, các bạn có thể áp dụng một số biện pháp khác để giúp cơ thể cảm thấy ấm áp và thoải mái hơn khi nhiệt độ xuống thấp:
– Giữ ấm không gian sống
Khi nhiệt độ xuống thấp, các bạn nên đóng kín cửa, dùng máy sưởi (nếu có). Điều này sẽ ngăn được luồng gió lùa vào nhà, giúp giữ ấm một phần cho cơ thể.
– Tăng cường vận động thể chất
Những bài tập thể chất vừa giúp cơ thể tăng nhiệt độ, cảm thấy ấm hơn lại giúp tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ quá thấp, các bạn không nên tập luyện ngoài trời vì có thể tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ.
Cách tốt nhất, mọi người nên tập các bài tập trong nhà như yoga, aerobic, nhảy dây,… trong nhà. Tuy nhiên, chúng ta không thể tập thể dục cả ngày, nên ngoài việc thể dục vào buổi sáng hoặc chiều tối, mọi người nên chăm chỉ vận động, làm việc nhà hơn.
– Ngâm chân bằng nước ấm
Khi thời tiết quá lạnh sẽ khiến các mạch máu dưới da co lại, máu lưu thông chậm, đặc biệt ở vùng chân. Do đó, ngâm chân bằng nước ấm vào mùa đông sẽ giúp cơ thể thoải mái, ấm áp hơn.
Nếu có thời gian, các bạn có thể nấu nước lá chanh, bạch đàn, bạc hà, chút tinh dầu,… vào nước ngâm chân để đạt hiệu quả cao hơn.
– Mặc đủ quần áo
Để giúp cơ thể không bị lạnh, các bạn nên mặc nhiều lớp quần áo, ở giữa các lớp áo sẽ là lớp khí, giúp cách nhiệt và giữ nhiệt độ tốt cho cơ thể. Bên cạnh đó, các lớp quần áo ma sát với nhau sẽ sinh ra nhiệt, giúp cơ thể cảm thấy ấm hơn.
Tuy nhiên, các bạn nên chọn lựa trang phục làm từ chất liệu co giãn tạo sự thoải mái cho cơ thể.
Nhìn chung, để giúp cơ thể ấm áp và khỏe mạnh vào mùa đông, mọi người nên ăn mặc đủ ấm, tăng cường vận động, bổ sung đủ chất cho cơ thể. Đặc biệt, để phòng tránh các bệnh mùa đông, việc tăng cường sức đề kháng từ dinh dưỡng là không thể thiếu.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết