Bạn có bao giờ thắc mắc chuyện gì sẽ xảy ra với Trái Đất và con người nếu một ngày các loài động vật không còn tồn tại trên hành tinh này không?
Bạn có bao giờ thắc mắc chuyện gì sẽ xảy ra với Trái Đất và con người nếu một ngày các loài động vật không còn tồn tại trên hành tinh này không?
Hệ sinh quyển của Trái Đất là một hệ thống chặt chẽ. Mọi sinh vật tồn tại đều có vai trò và tác động quan trọng đến nhau. Sự thay đổi quần thể đối với một loài động vật hoặc thực vật có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của chúng.
Sự tuyệt chủng của động vật không phải là một hiện tượng sinh thái mới. Khủng long, voi ma mút, hổ răng kiếm và chim dodo đều là những loài động vật đã tuyệt chủng cách đây nhiều thế kỷ hoặc thậm chí hàng triệu năm. Tất cả những điều này làm cho sự tuyệt chủng của động vật giống như chuyện thường ngày hoặc một câu chuyện trong sách lịch sử.
Tuy nhiên, tuyệt chủng là một hiểm họa có thật đang đe dọa nhiều loài động vật đang sinh sống.
Biến đổi khí hậu (theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ) không chỉ bao gồm sự ấm lên toàn cầu mà còn gia tăng hạn hán và thiên tai. Điều này cùng với sự phá hủy môi trường sống do con người gây ra; cùng với hoạt động săn trộm là những nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của động vật.
Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ báo cáo rằng một khu vực có diện tích gấp 5 lần thành phố New York đã bị tàn phá trong rừng nhiệt đới Amazon chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022. Các loài động vật như báo đốm, lười, ếch, cá heo sông và khỉ giờ chỉ còn chiếm một phần nhỏ của quần thể hoang dã trong khu rừng nhiệt đới này (theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên).
Theo BBC, tình trạng săn trộm và buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn tồn tại nhức nhối tại các thị trường bất hợp pháp. Ngà voi, sừng tê giác và da hổ là những sản phẩm được ưa chuộng nhất.
Vì sao đa dạng sinh học lại quan trọng?
Động vật tuyệt chủng không chỉ có nghĩa là con người sẽ không còn có thể trầm trồ và thích thú với tất cả những vẻ đẹp sinh học đáng kinh ngạc mà Trái Đất nuôi sống. Điều đó cũng có nghĩa là môi trường sống của con người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Mọi thứ đều có mục đích trong môi trường sinh thái. Phần lớn đều biết rằng thực vật có vai trò không thể thay thế là cung cấp thêm dưỡng khí và điều hòa khí hậu, nhưng động vật cũng có những vai trò sống còn.
Đa dạng sinh học (theo Bảo tàng Úc) đề cập đến sự đa dạng của các sinh vật sống. Điều này bao gồm sự đa dạng về di truyền, loài và hệ sinh thái. Có hơn 13 triệu loài thực vật và động vật có thể phân biệt được trên Trái Đất. Trong số đó, những nơi đa dạng nhất là Úc, rừng nhiệt đới Amazon ở Nam Mỹ và Đông Nam Á. Ngay cả những loài côn trùng nhỏ và sâu bọ cũng ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Trường Khí hậu Columbia đã giải thích sự cần thiết của đa dạng sinh học thông qua ví dụ về loài sói Yellowstone. Những con sói ở Yellowstone – công viên quốc gia đầu tiên của Mỹ – bị săn đuổi gần đến bờ vực tuyệt chủng. Là động vật ăn thịt đứng đầu trong hệ sinh thái Yellowstone, sự vắng mặt của chúng đã dẫn đến sự gia tăng quần thể động vật ăn cỏ như nai sừng tấm.
Quá nhiều nai sừng tấm gây ra tình trạng cây cỏ bị tiêu thụ quá mức. Việc tiêu thụ thực vật quá mức đã gây ra xói mòn gần các nguồn nước và mất môi trường sống cho các loài chim. Mất môi trường sống cho các loài chim gây ra sự gia tăng các loại côn trùng như muỗi, một nguồn thức ăn chính của chim…
Điều đó gây ra một phản ứng dây chuyền không thể thay đổi cho đến khi những con sói được đưa trở lại vào năm 1995 để khôi phục lại sự cân bằng cần thiết cho Yellowstone.
Vào năm 2018, Scientific Reports đã công bố một nghiên cứu có tên “Sự đồng tuyệt chủng hủy diệt sự sống hành tinh trong quá trình thay đổi môi trường khắc nghiệt”.
Nghiên cứu này nhắc lại phản ứng dây chuyền được thấy ở Yellowstone sau khi nó mất quá nhiều sói. “Bởi vì tất cả các loài đều được kết nối trong mạng lưới sự sống, bài báo của chúng tôi chứng minh rằng ngay cả những loài có khả năng chịu đựng tốt nhất cuối cùng cũng không thể chống chọi lại sự tuyệt chủng khi những loài kém chịu đựng hơn mà chúng phụ thuộc biến mất“, tác giả chính, Tiến sĩ Giovanni Strona cho biết.
Đồng tác giả Corey J. A. Bradshaw đã mô tả hiệu ứng domino này là “đồng tuyệt chủng”. Strona và Bradshaw chỉ ra rằng biến đổi khí hậu là động lực thúc đẩy sự tuyệt chủng trong thế kỷ 21.
Điều chúng ta cần nhớ là mặc dù con người có xu hướng trở nên xa rời tự nhiên khi các thành phố mọc lên liên tiếp, chúng ta vẫn dựa vào thiên nhiên để có đất canh tác, nước uống và không khí thở được.
Động vật hoang dã là nguồn kiểm soát các yếu tố cần thiết này cho cuộc sống của con người. “Đồng tuyệt chủng” có thể làm suy giảm sự sống trong một hệ sinh thái, bao gồm cả sự sống của con người.
Hơn nữa, chúng ta không thể quên rằng sự tồn tại của động vật cũng thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của thực vật. Các loài thụ phấn như ong là vô cùng cần thiết cho thực vật phát tán và sinh trưởng.
Ví dụ khác là việc giun đất giúp đất tơi xốp và màu mỡ cho cây cỏ sinh trưởng. Có vô số ví dụ khác như vậy, chẳng hạn như việc chất thải của động vật cũng giúp nuôi dưỡng thực vật và luân chuyển carbon trong khí quyển.
Tóm lại, việc biến mất của động vật sẽ tạo ra thảm họa sinh học toàn cầu, không chỉ khiến thực vật diệt vong theo mà còn dẫn đến thu hẹp nguồn đất sống, nguồn nước, dưỡng khí,… và tạo ra phản ứng dây chuyền không thể đảo ngược. Đó sẽ là sự kiện đại tuyệt chủng đe dọa toàn bộ sự tồn tại của nhân loại trên hành tinh.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết