Tranh biện ở trường là một cách hiệu quả để biến trẻ trở thành một nhà hùng biện xuất sắc.
Những kỹ năng có được khi tranh biện sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ, không chỉ trong sự nghiệp mà còn các tương tác hằng ngày. Vì vậy, phụ huynh hãy khuyến khích trẻ tranh biện thường xuyên.
Tranh biện là một hoạt động, trong đó các lập luận được đưa ra bởi hai bên có quan điểm đối lập về một chủ đề duy nhất. Tùy thuộc vào đối thủ, mỗi bên có thể bao gồm một đội hoặc một diễn giả. Các cuộc tranh biện thường mang tính chất công khai. Đồng thời, được điều chỉnh bởi quy tắc thường cho phép đặt câu hỏi và phản bác. Các diễn giả được đánh giá dựa trên một số tiêu chí bao gồm: Phân tích, tính mạch lạc, khả năng chuyển tải và diễn đạt.
Thông thường, nhiều ý kiến cho rằng, dấu hiệu của một người tranh biện giỏi là kỹ năng nói xuất sắc. Tuy nhiên, thực tế, lắng nghe cũng được cho là quan trọng không kém. Người tranh luận phải có khả năng lắng nghe quan điểm của đối thủ một cách nhạy bén. Sau đó, đưa ra phản ứng phù hợp ngay thời điểm đó.
Theo các chuyên gia, nghệ thuật tranh luận là một kỹ năng quý giá mà mọi đứa trẻ nên phát triển. Tranh biện dạy trẻ phân tích, hợp lý hóa, đưa ra các lập luận toàn diện và phản bác một cách lịch sự. Hơn nữa, tranh biện giúp trẻ em cải thiện kết quả học tập và điểm số, khi chúng học cách nghiên cứu, sắp xếp thứ tự ưu tiên và viết lập luận dựa trên bằng chứng.
Một số cuộc tranh luận yêu cầu trẻ chia sẻ ý kiến cá nhân. Điều này cần ít sự chuẩn bị so với các chủ đề dựa trên thực tế khác. Các chủ đề tranh biện của trẻ em có thể đơn giản, phức tạp hoặc từ bình thường đến khó. Các cuộc tranh luận khơi dậy quan điểm và cũng giúp xây dựng lòng tự trọng. Việc trẻ được hỏi ý kiến sẽ giúp các em thấy rằng, suy nghĩ và tiếng nói của chúng là vấn đề đáng tự hào.
Tất cả trẻ em đều có thể được khuyến khích tham gia tranh biện. Lý tưởng nhất là trẻ nên bắt đầu tranh biện từ khi còn nhỏ. Lý do là bởi, hoạt động tranh luận truyền đạt nhiều kỹ năng quý giá cho trí óc trẻ. Đây là yếu tố mà trẻ sẽ cần, ngay cả khi không còn ngồi trên ghế nhà trường.
Các chuyên gia đã liệt kê một số lợi ích của việc tranh luận, bao gồm: Mở rộng kiến thức ngoài tầm nhìn học thuật; Tăng sự tự tin và lòng tự trọng; Truyền đạt kỹ năng tư duy phản biện; Cải thiện khả năng nghiên cứu và phân tích; Phát triển khả năng hình thành các lập luận cân bằng dựa trên bằng chứng.
Bên cạnh đó, tranh biện cũng giúp tăng cường sự rõ ràng và cấu trúc của suy nghĩ, phát triển các kỹ năng hùng biện hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích tinh thần đồng đội cũng như tạo động lực để trẻ tranh luận thường xuyên.
Việc tranh biện thường xuyên sẽ giúp trẻ trau dồi kỹ năng thuyết trình và giao tiếp. Từ đó, làm nên điều kỳ diệu cho sự tự tin của trẻ. Tuy nhiên, nhiều trẻ em bị sợ sân khấu khi được yêu cầu nói trước công chúng. Dưới đây là một số điều phụ huynh có thể thực hiện để loại bỏ nỗi ám ảnh này ở trẻ, cải thiện sự tự tin và biến con trở thành một nhà hùng biện tuyệt vời.
Tập trung vào các dữ kiện
Một cuộc tranh luận bao gồm truyền đạt bằng chứng xác thực thuyết phục. Tính xác đáng của các dữ kiện được thể hiện quan trọng hơn sức hút của người nói. Vì vậy, cha mẹ hãy đảm bảo rằng, trẻ đã nghiên cứu kỹ trước khi tham gia vào một cuộc tranh biện.
Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng, không có dữ kiện nào mâu thuẫn với nhau. Mọi mâu thuẫn chắc chắn sẽ được đội đối phương nêu ra khi đặt câu hỏi.
Nhìn từ hai góc độ
Không chỉ nghiên cứu trước khi trình bày lý lẽ của mình, trẻ còn phải biết rõ đối phương sẽ nói về điều gì. Điều này sẽ cho phép trẻ nhận thấy mâu thuẫn, nếu có, trong lập luận của đội đối phương. Đồng thời, cho phép trẻ đặt câu hỏi nhanh khi đến lượt phản bác.
Phụ huynh hãy nhắc con rằng, chiến thắng trong cuộc tranh biện không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh của lập luận, mà còn vào khả năng của trẻ trong việc làm suy yếu đối thủ.
Chọn các chủ đề thực hành thú vị
Cách duy nhất để trẻ muốn tham gia vào một cuộc tranh biện là giúp con có hứng thú với hoạt động đó. Một cách tốt để khơi gợi sự quan tâm và cải thiện khả năng của trẻ là chọn các chủ đề luyện tập theo sở thích của con.
Ví dụ, nếu trẻ là một người thích thể thao, cha mẹ hãy chọn một chủ đề như: “Trường học nên tập trung nhiều hơn vào học thuật hơn là thể thao”. Sau đó, hãy khuyến khích trẻ nghiên cứu về chủ đề này và tranh biện dựa theo góc nhìn từ cả hai phía. Hoạt động này sẽ thúc đẩy, giúp trẻ thích tranh luận và cải thiện sự tự tin.
Nhấn mạnh các lập luận có cấu trúc
Khi dạy trẻ cách tranh luận, điều quan trọng là nhấn mạnh rằng, con cần trình bày các quan điểm của mình một cách có cấu trúc. Trước khi bắt đầu trình bày lý lẽ, trẻ nên giới thiệu ngắn gọn chủ đề mà mình sắp nói. Nhờ đó, giúp ban giám khảo và khán giả dễ hình dung. Sau đó, trẻ nên chuyển sang các lập luận chính và trình bày một cách có hệ thống. Mọi điểm phải dẫn đến dữ liệu tiếp theo.
Điều quan trọng là lập luận không được rời rạc. Trẻ cũng nên kết thúc cuộc tranh biện một cách hiệu quả bằng cách tóm tắt ngắn gọn tất cả luận điểm.
Khuyến khích tư duy logic
Tập trung vào suy nghĩ logic thay vì cảm xúc là điều cần thiết nếu trẻ muốn tranh biện hiệu quả. Phụ huynh có thể khuyến khích trẻ lập danh sách những điểm quan trọng nhất trong bài tranh biện. Điều này sẽ như một lời nhắc nhở rằng, trẻ hãy giữ thái độ bình tĩnh và không lạc đề với những lập luận chính của mình, ngay cả khi đối thủ đưa ra những câu hỏi khó. Có một ý tưởng rõ ràng về những gì sắp nói cũng sẽ khiến trẻ cảm thấy tự tin hơn.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết