Vụ án Việt Á là phép thử đối với chính sách chống tham nhũng và công tác cán bộ. Quả thật, phép thử này rất đau đớn, đã khiến nhiều cán bộ “nhúng chàm”, bị xử lý hình sự.
Liên quan vụ án công ty Việt Á nâng khống giá kít xét nghiệm Covid-19, tính đến thời điểm hiện tại, hàng loạt bị can là lãnh đạo các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và bệnh viện vướng vòng lao lý vì nhận tiền “hoa hồng”, mới đây, có 2 cán bộ diện Trung ương quản lý là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, đại dịch Covid nói chung, vụ án Việt Á nói riêng chính là phép thử đối với công tác chống tham nhũng cũng như công tác cán bộ, và phép thử ấy đã làm một số cán bộ, công chức lãnh đạo ngành y “gục ngã” trước những “viên đạn bọc đường”. Vụ án cũng chính là bài học đau xót cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc để làm sao thời gian tới bố trí cán bộ lãnh đạo trúng hơn, đúng hơn.
PV: Trước vụ Việt Á đã có một loạt vụ xử lý kỷ luật liên quan tới lãnh đạo cấp tỉnh, cấp trung ương, cả sỹ quan cao cấp. Ông cảm thấy như thế nào khi những cán bộ giữ chức vụ cao nhưng lại “nhúng chàm”, suy thoái?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Chúng ta rất buồn về những vụ việc vừa qua, những cán bộ lãnh đạo cao cấp, những cán bộ có một thời gian thử thách, rèn luyện ở các địa phương, nhưng có lẽ do sự thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng, về lối sống, về tư tưởng cho nên dễ dàng bị cám dỗ và sa ngã trước đồng tiền.
Bên cạnh quy trình cán bộ 5 bước, tôi cho rằng, công tác tổ chức cán bộ cần phải có những cách nhìn khác hơn nữa, sâu hơn nữa để đánh giá đúng con người. Mặc dù để đánh giá đúng con người là rất khó vì ý thức ở trong đầu của họ, tuy nhiên cần phải rất kiên trì trong việc này.
Nhìn lại các vụ việc để phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm, tránh tình trạng lợi dụng quy trình 5 bước để lồng ý kiến cá nhân, biến cái chung thành cái riêng. Cho nên, cần phải tập trung hơn nữa trong việc đào tạo cán bộ vừa hồng, vừa chuyên như Bác Hồ từng nói, đặc biệt là ý thức của cán bộ.
Khi lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, ngoài năng lực chuyên môn thì phẩm chất đạo đức là vô cùng quan trọng. Phẩm chất đạo đức ấy phải là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Ví dụ như thời nhà Trần, một triều đại rực rỡ, đã 3 lần đánh tan quân Mông Cổ. Triều đại ấy chắc chắn phải có một đội ngũ lãnh đạo, tướng sĩ thật giỏi về năng lực và phẩm chất đạo đức. Đọc lại Binh thư yếu lược – một tác phẩm bị thất truyền được ghi lại tản mác ở các nơi cho thấy, vị anh hùng Trần Hưng Đạo đã đưa ra 8 điểm để lựa chọn người tài, như hỏi bằng lời nói để xem trả lời rõ ràng không, cho gián điệp thử để xem có trung thành không, dùng mỹ nhân kế để xem có đạo đức không, thậm chí là hối lộ để xem có nhận tiền không.
Nghĩa là chúng ta cần phải có một kênh để đánh giá toàn diện về cán bộ. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ đó là phải nâng cao trình độ văn hóa của cán bộ, đảng viên hiện nay theo nghĩa không phải chỉ học hành mà đó là ý thức tự trọng, ý thức đạo đức, ý thức phục vụ và phấn đấu cho lý tưởng của Đảng.
Tôi cho rằng, lựa chọn đảng viên hiện nay cần phải xét lại vì có một số nơi, chuyện kết nạp Đảng còn hình thức. Nếu Đảng ta không có những đảng viên mạnh, có đủ phẩm chất đạo đức thì rất gay go. Vì vậy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ, kết nạp đảng viên là cực kỳ quan trọng, không chỉ là chuyện cơ chế, quy trình mà vấn đề là chọn lựa cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải được kinh qua thực tiễn để rèn luyện. Bên cạnh đó, người giới thiệu phải chịu trách nhiệm về cán bộ hư hỏng, và cũng cần rà soát lại trách nhiệm của tập thể khi tín nhiệm, bỏ phiếu nhân sự đó.
Nhìn lại những vụ việc liên quan cán bộ thời gian qua, chúng ta cũng không nên bi quan bởi vẫn còn rất nhiều người tốt, còn nhiều cán bộ lãnh đạo rất bản lĩnh. Vấn đề là cần tạo môi trường tốt để cán bộ cống hiến và giải quyết tất cả những chế độ chính sách cho thật tốt.
PV: Vụ án Việt Á là một phép thử và đã cho chúng ta thấy nhiều góc khuất, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Vụ án này là phép thử đối với chính sách chống tham nhũng và công tác cán bộ. Quả thật, phép thử này rất đau đớn, đã khiến nhiều cán bộ “nhúng chàm”, bị xử lý hình sự.
Trong điều kiện dịch bệnh khốc liệt, đã có biết bao nhiêu người hy sinh cả sinh mạng của mình cho đồng chí, đồng đội, cho cộng đồng nhưng tại sao một số cán bộ lại dung túng cho Việt Á để trục lợi. Về mặt lương tâm con người, đây là điều không thể chấp nhận được.
Vụ án diễn ra với số tiền “hoa hồng” quá lớn, có thể nhiều người ảo tưởng một điều giá kít đã được quy định nên cứ theo đó mà làm, còn “hoa hồng” là của doanh nghiệp cho? Phải chăng chính điều này làm cho người ta dễ sa ngã.
Vụ án Việt Á cũng cho thấy một góc khuất hết sức nguy hiểm đó là sự câu kết, dung túng của một số cán bộ lãnh đạo. Rõ ràng, doanh nghiệp đã qua mặt cơ quan Nhà nước ở chỗ, họ nói kít xét nghiệm là của doanh nghiệp, họ tự làm. Vậy việc kiểm tra, giám sát ở đây như như thế nào? Cần rà soát lại khâu này để tìm những người có trách nhiệm.
PV: Dư luận đặt câu hỏi cán bộ mắc sai phạm là do sự tha hóa hay do trình độ quản lý yếu kém. Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Cái chính vẫn là sự tha hóa một số cán bộ. Trình độ có thể yếu kém nhưng nếu có lòng tự trọng và đạo đức thì người ta sẽ không làm như vậy. Anh nhận đồng tiền không phải của anh, với số tiền lớn như vậy thì cần phải đặt câu hỏi “Tiền ở đâu mà có?, “Họ đưa tiền để làm gì?”. Nếu là người tự trọng thì sẽ biết ngay câu trả lời.
Vì vậy, vấn đề là đạo đức, phẩm chất của cán bộ, đương nhiên vẫn phải do năng lực làm việc, do kém cỏi. Nhưng tôi cho rằng, không thể kém cỏi tới mức không nhận thấy rõ mục đích của số tiền “hoa hồng” quá lớn như vậy. Cho nên, cái chính vẫn là sự tha hóa ở một số cán bộ.
Chúng ta cần quán triệt và thực hiện nghiêm Kết luận số 21, kiên quyết xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Tôi cho rằng, đất nước ta không thiếu cán bộ có tự trọng hơn, tốt hơn. Vấn đề là làm sao chúng ta tìm được người tài và mời gọi người tài ra giúp nước.
PV: Như ông vừa nói, thu nhập chính hàng tháng từ lương hiện nay thấp, đã và đang ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, bào mòn sự liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của họ. Theo ông, tăng lương có phải là giải pháp để hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức?
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Đó chỉ là một trong những giải pháp. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, cần thiết kế chính sách hướng vào “4 không”: không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng.
Làm sao để người ta không dám tham nhũng, tức là chế tài phải rất nặng, xử lý rất nghiêm để họ sợ, không dám tham nhũng.
Chính sách chống tham nhũng phải làm sao cho người ta không thể tham nhũng, tức là văn bản luật, dưới luật thường xuyên được hoàn chỉnh để không có kẽ hở của pháp luật. Do năng lực làm luật của chúng ta có thể có những hạn chế nhất định, không dự báo được tình hình, thậm chí có kẽ hở, dẫn đến tham nhũng chính sách và đối tượng dễ dàng lợi dụng. Vì vậy, cần phải rất thận trọng để các đối tượng không lợi dụng pháp luật, kẽ hở pháp luật để trực lợi, tham nhũng.
Bên cạnh đó, chính sách chống tham nhũng phải làm sao cho người ta không cần tham nhũng, nghĩa là lương bổng, đời sống phải được nâng lên. Để giải bài toán này, cần phải nhất thể hóa, kiêm nhiệm, đồng thời giảm biên chế. Bởi muốn tăng lương thì năng suất lao động phải tăng lên, trong điều kiện năng suất lao động không tăng kịp với sự tăng biên chế thì có một cách là giảm biên chế lại thì mới có nguồn lực đủ sức giải quyết.
Chính sách chống tham nhũng còn phải làm cho người ta không muốn tham nhũng. Cho nên vấn đề giáo dục đạo đức là cực kỳ quan trọng, trong đó có tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có những vụ việc xuất hiện sơ hở, nếu cán bộ có lòng tham thì sẽ trục lợi, còn nếu cán bộ có đạo đức, có tự trọng thì sẽ không cho phép bản thân mắc sai lầm. Điều này thuộc phạm trù đạo đức của cán bộ.
PV: Xin cảm ơn ông.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết