Những ngày qua, báo chí phản ánh về vụ bác sĩ “dỏm” tham gia trong khu cách ly tập trung điều trị cho các bệnh nhân F0 tại Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM (quận 12).
Sự việc gây xôn xao dư luận những ngày qua vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ. Từ câu chuyện này, dư luận đặt câu hỏi Nguyễn Quốc Khiêm giả bác sĩ, liệu có bị xử phạt?
Theo luật sư Trương Thành Đức, sự việc giả danh của Khiêm là sai tuy nhiên chỉ nên dừng lại ở mức độ phê bình, khiển trách, nhắc nhở và cùng lắm thì cảnh cáo. Chỉ nên coi đây là tuổi trẻ bồng bột, nông nổi chứ không nên truy cứu nặng nề.
Chi tiết vụ việc:
“Nguyễn Quốc Khiêm không gây hậu quả, không ăn bớt, ăn trộm, ăn cắp. Thậm chí còn được báo chí và mọi người khen ngợi. Báo danh là sinh viên để được đi tình nguyện, vào khu cách ly chịu khổ, chịu cực, chấp nhận rủi ro, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Việc giả mạo này khác hẳn giả mạo chứng chỉ nghề hay là bác sĩ để mở phòng khám, để khám bệnh, để chuộc lợi thu tiền người khác hay hành nghề trái phép. Mục đích ban đầu của anh này không phải vì tiền hay vì danh”, luật sư Đức phân tích.
Trước đó, hồi cuối tháng 9/2021, website của Bộ Y tế cũng có đăng bài “Khi khu cách ly thành nơi điều trị ban đầu cho F0” – chia sẻ câu chuyện “bác sĩ Nguyễn Quốc Khiêm” và những đóng góp của anh khi được giao phụ trách chính tại khu điều trị ở ký túc xá Trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM, góp phần giúp hàng nghìn F0 hồi phục.
Tuy nhiên, việc cứu người thì thật nhưng danh xưng bác sĩ thì là giả. Điều này cho thấy tuy bằng cấp giả nhưng lao động khổ đóng góp vất vả, nên khiển trách mà thôi.
Phía Nguyễn Quốc Khiêm cho biết, bản thân vốn “từng học ngành Y bên Đại học Hồng Bàng rồi bỏ ngang vì kinh tế gia đình”. Sau khi việc vỡ lở, Nguyễn Quốc Khiêm cũng đã thừa nhận giả danh bác sĩ, tham gia phụ trách điểm điều trị F0 tại quận 12. Khiêm nói “đã nhận thức được cái sai của mình”, mong được bỏ qua để tiếp tục cuộc sống và kinh doanh vì giờ không còn làm gì liên quan tới ngành y.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, bỏ qua phần tình, xét về lý, hành vi của Khiêm là làm giả con dấu, tài liệu và sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức, công dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng… thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
Còn nếu làm giả 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên… thì có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Như vậy với tội danh này, Khiêm có thể bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo giam giữ từ 3 – 6 tháng. Tuy nhiên, xét theo bối cảnh cụ thể, nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng hành vi của Nguyễn Quốc Khiêm đáng trách nhưng cũng đáng thương, bởi tinh thần tình nguyện.
Theo Báo giao thông