Các bậc phụ huynh cần tránh xa những hành động tiêu cực bởi sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của trẻ.
Là người thầy đầu tiên và là người gần gũi nhất trong cuộc đời con, cha mẹ có trách nhiệm giúp con hình thành quan điểm sống, giá trị đạo đức đúng đắn và thói quen tốt ngay khi còn nhỏ. Muốn trở thành cha mẹ tốt, giúp cuộc đời con phát triển, cha mẹ cần không ngừng tiếp thu kiến thức, những phương pháp nuôi dạy khoa học. Đặc biệt, cha mẹ cần hạn chế lời nói, hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến con.
Dưới đây là 3 điều độc hại mà cha mẹ cần tránh, nếu không sẽ khiến cuộc đời trẻ gặp nhiều sóng gió.
1. Đừng làm cha mẹ thiển cận bởi sẽ hạn chế sự phát triển của con
Cha mẹ có suy nghĩ và tầm nhìn thiển cận tạo cho trẻ môi trường sống ngột ngạt, bức bối. Họ luôn cho rằng ý kiến của mình là đúng, còn của trẻ là sai. Họ không bao giờ đặt bản thân vào con để thấu hiểu, đồng cảm. Họ thường đánh giá cao quan điểm của mình, không muốn con làm trái lời. Đây là mối quan hệ kiểm soát khiến trẻ mệt mỏi, cảm thấy không được ghi nhận.
Cha mẹ thiển cận thường đánh giá con qua từng tiểu tiết trong cuộc sống như điểm số, xếp hạng trong lớp,… Họ khiến con cái rơi vào tình trạng sợ hãi nếu chẳng may mắc lỗi. Điều này vô tình khiến trẻ lớn lên mặc cảm, không tin tưởng vào khả năng bản thân.
Cha mẹ thiển cận còn tạo ra khoảng cách nhất định giữa thất bại và thành công. Trong suy nghĩ của họ, thất bại là điều không nên có. Vì thế, họ luôn điều khiển con làm theo cái này cái kia mới là tốt. Họ rất sợ con gặp thất bại. Chính quan điểm này của phụ huynh khiến trẻ không dám bước ra khỏi vùng an toàn.
2. Đừng đánh giá thấp việc hình thành thói quen của trẻ
Lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động của cha mẹ thường ngày tác động trực tiếp đến việc hình thành nhân cách và thói quen của trẻ. Vậy mà nhiều cha mẹ không hề chú trọng, chưa thật sự làm tấm gương tốt cho trẻ. Điều này còn ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập của trẻ.
Chẳng hạn như khi muốn con hình thành thói quen dọn phòng, bản thân cha mẹ cần là người ngăn nắp, gọn gàng và hướng dẫn trẻ thực hiện. Thay vì phê phán: “Phòng của con bừa bộn quá, con dọn ngay đi”, thì hãy cùng trẻ tìm ra giải pháp: “Mẹ muốn con dọn phòng gọn gàng, con nghĩ ra cách thực hiện dễ nhất chưa?”.
Khi trẻ đưa ra ý tưởng của mình, cha mẹ đừng phủ nhận ngay. Nếu giải pháp chưa hợp lý, cha mẹ có thể tư vấn thêm và cùng con bắt tay vào thực hiện. Trên cơ sở được tôn trọng và thấu hiểu, trẻ sẽ chấp nhận sự góp ý và dần dần hình thành thói quen tốt.
3. Đừng để kinh nghiệm sống “bịt mắt”
Khi con đưa ra ý kiến, nếu cha mẹ không hài lòng có phải thường hay nói rằng: “Con làm như vậy là sai, mẹ có kinh nghiệm việc này, con nên làm thế này,…” hay “Mẹ ăn muối nhiều hơn con ăn cơm đấy! Hãy nghe lời mẹ đi!”,… Mỗi người đều có kinh nghiệm trưởng thành của riêng mình. Và cha mẹ thường vô tình mang những điều đã trải qua quy chiếu vào cách giáo dục con mà không có sự sàng lọc.
Là cha mẹ, bạn không nên luôn luôn sử dụng kinh nghiệm trong quá khứ để giáo dục và yêu cầu con cái. Điều cần làm là kiểm tra và suy nghĩ những phương pháp phù hợp với con. Sau đó, cha mẹ hãy phân tích cặn kẽ mặt trái, mặt phải giúp con hiểu vấn đề. Còn việc đưa ra quyết định cuối cùng là ở con, cha mẹ không nên can thiệp sâu.
Đôi khi, kinh nghiệm của cha mẹ chưa hẳn đã đúng hoàn toàn bởi thời đại thay đổi, môi trường thay đổi. Và kinh nghiệm ấy đã trở nên cũ kỹ, không còn phù hợp. Trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ cần liên tục cập nhật thông tin, có những phương pháp giáo dục mới, chứ không nên dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm sống.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết