Mỗi người đều yêu thương con theo cách riêng của mình, muốn dành những gì tốt nhất cho con. Nếu cha mẹ nào sở hữu “3 báu vật” này thì con cái sẽ sớm nên người, trưởng thành hơn.
Cách dạy dỗ của cha mẹ có thể ảnh hưởng tới quá trình một đứa trẻ trưởng thành có thể nên người hoặc không. Theo khảo sát từ một nhóm dân cư, cha mẹ tốt, dạy dỗ con sớm thành công nên người thường có ba đặc điểm chung nổi bật, được coi là “báu vật” sau đây.
Nụ cười – Tài sản quý giá trao cho con trẻ
Trong không ít lần phỏng vấn, tỷ phú Elon Musk đã nhắc đến mẹ của mình là bà Mayer với sự kính trọng đặc biệt. Vị giám đốc điều hành của Tesla đã cho biết, hình ảnh thường trực và khiến ông ấn tượng nhất chính là luôn được nhìn thấy mẹ mình nở nụ cười trên môi.
Tỷ phú Elon Musk chia sẻ: “Khi ba anh em chúng tôi đều học đại học, tôi biết bà đã trải qua một khoảng thời gian khó khăn. Tuy nhiên, bà lại chưa một lần buông lời phàn nàn. Hình ảnh thường trực mỗi khi tôi nhìn thấy mẹ là bà luôn luôn tươi cười, vui vẻ.”
Chính “ông trùm xe điện” đã khẳng định: “Thái độ này là tài sản quý giá nhất mẹ đã trao cho các con của mình.”
Có thể thấy, nụ cười đại biểu cho sự lạc quan, vui vẻ. Khi cha mẹ thường xuyên nở nụ cười thì bầu không khí của cả gia đình cũng trở nên tích cực hơn. Người cha, người mẹ biết mỉm cười sẽ luôn mang đến cho con cái mình niềm tin yêu và hy vọng vào cuộc sống.
Giáo sư Hồng Lan, người đang làm việc tại Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan, đã đưa ra nhận xét rằng: “Vì người mẹ là linh hồn của một gia đình nên nụ cười của mẹ cũng chính là dưỡng khí quan trọng nhất.”
Gia đình luôn tràn ngập sự ấm áp, tinh thần lạc quan, tích cực thì mọi thành viên đều được hưởng lợi. Đó chính là “chất dinh dưỡng” quan trọng để ươm mầm, nuôi nấng tình người trong con trẻ, cũng là của cải đáng giá nhất trong gia đình được con cái kế thừa và phát huy.
Bản thân diễn viên Dương Địch, Trung Quốc, đã chia sẻ trong một show truyền hình rằng, anh rất nể trọng mẹ vì bà luôn thể hiện sự vui vẻ, niềm nở, đồng thời giữ tôn trọng, quý mến bạn bè anh. Mỗi khi anh đưa bạn về nhà chơi, lúc nào bà cũng tươi cười tiếp đãi mọi người.
Trong ấn tượng của anh, dù có chuyện gì buồn bực, bà ít khi thể hiện cáu giận ra ngoài. Chính vì thế, Dương Địch cũng chịu ảnh hưởng phần nào từ cách ứng xử của mẹ: “Nụ cười thường trực của mẹ dạy tôi rằng không có gì phải lo lắng, mọi thứ đều có hướng giải quyết. Vì thế, tôi phải luôn vui vẻ, hạnh phúc và tươi cười”.
Lý trí – Tâm thái cao nhất của việc làm cha mẹ
Có một tác giả đã viết “Trạng thái cao nhất của việc làm mẹ là học cách lười biếng”, trong cuốn sách “Những bà mẹ lười còn hơn những bà mẹ tốt” của Trung Quốc. Theo tác giả này lý giải, nếu cha mẹ quá “tốt”, tức là yêu thương con trẻ vô điều kiện, lo toan vun vén mọi điều từ to đến nhỏ, có thể vô tình khiến con trẻ trở nên ích kỷ, lười biếng và không biết quý trọng những gì có được.
Do đó, đôi khi người làm cha mẹ phải bớt cảm tính, bớt chăm lo mà học cách quan tâm lý trí hơn. Họ nên buông bỏ công việc gia đình một cách hợp lý. Điều đó có thể giúp kích thích sự chủ động của các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là con cái.
Người làm cha mẹ nên chủ động tạo ra các cơ hội để con cái được chung tay xây dựng không gian sống xung quanh, thực hiện các công việc trong gia đình, từ nhỏ đến lớn sao cho vừa sức. Đây cũng là cách để kích thích tính độc lập, tự giác và chuyên cần hơn.
Lời nói – Sức mạnh đặc biệt của cha mẹ
Ngôn ngữ có sức mạnh đặc biệt, chúng có thể trở thành chiếc khiên bảo vệ, cũng có khi hóa thành vũ khí sắc bén, tùy vào cách sử dụng của mỗi người.
Một chuyên gia về các mối quan hệ đã nói: “Bạn càng phán xét và lên án người khác, bạn càng tước đi quyền thay đổi của họ. Khi lời nói biến thành sự công kích, nó sẽ có sức công phá đáng kinh ngạc, hủy hoại sự hòa thuận và bầu không khí tích cực của gia đình.”
Do đó, khi người làm cha mẹ có thể kiểm soát cơn giận của mình, sử dụng lời nói một cách uyển chuyển hơn, linh hoạt hơn, sức mạnh bảo vệ của ngôn từ mới có thể phát huy trọn vẹn.
Có người chia sẻ về quãng thời gian hồi nhỏ của mình thường làm bài thi rất tệ, sợ bị mẹ mắng đến nỗi không dám về nhà.
Sau đó, khi người mẹ nhìn thấy bài kiểm tra của con mình, mà không la mắng ngay mà nhận xét: “Chữ viết đã có tiến bộ hơn rất nhiều rồi nhỉ”. Sau đó, bà mới tiếp tục: “Nhưng mà bài làm của con thì chưa tốt được như vậy.”
Lời mẹ nói khiến người đó không còn sợ hãi nhưng được tiếp thêm động lực, tự ý thức hơn về chất lượng học tập của mình. Cho đến khi trưởng thành, anh vẫn luôn cảm thấy biết ơn mẹ vì những lời nói động viên.
Nhà tâm lý học người Mỹ William James đã nói rằng: “Một trong những mong muốn sâu xa nhất, thuộc về bản chất con người là mong đợi được khen ngợi, ngưỡng mộ, tôn trọng.”
Điều này cũng đúng trong hoàn cảnh gia đình. Người làm cha mẹ nếu có thể kịp thời khen thưởng, động viên, bày tỏ sự tôn trọng dành cho con cái thì gia đình thuận hòa, êm ấm và an vui. Đó là môi trường lý tưởng để nuôi dạy một đứa trẻ nên người.
Lifehub tổng hợp