Đã có một số nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, sau khi mắc COVID-19, nam giới “kém sung mãn” và “lười yêu” hơn. Vậy thực tế khám, chữa bệnh tại Việt Nam có như vậy hay không?
Từ sau dịch COVID-19, Khoa Khoa Phẫu thuật thận tiết niệu – Nam học, Bệnh viện E, thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân đến khám và tư vấn về tình trạng cương kém, không cương được, giảm ham muốn, hay “quên mất nhiệm vụ của người đàn ông”.
TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng Khoa Phẫu thuật thận tiết niệu – Nam học, Bệnh viện E, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên chủ yếu là từ áp lực kinh tế gây ảnh hưởng tâm lý, hậu quả sau mắc COVID-19 khiến sức khỏe suy giảm. Trong đó, tổn thương do COVID-19 gây ra với hệ hô hấp, tim mạch, tinh hoàn… khiến nam giới mệt mỏi, suy giảm ham muốn, suy giảm hormone nam giới cả về chất lượng và số lượng.
“So với thời điểm trước đại dịch COVID-19, hiện nay, số lượng bệnh nhân đến khám nam khoa ngày càng tăng, với các rối loạn do COVID-19 gây ra. Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, giao thông trở lại bình thường, kinh tế hồi phục… người dân có thời gian, điều kiện đi khám. Nhiều trường hợp được bạn gái, vợ động viên đi khám. Người bệnh thường gặp các vấn đề về rối loạn cương, xuất tinh sớm, chậm con – hiếm muộn, các bệnh lây qua đường tình dịch, rối loạn tiểu tiện do u tuyến tiền liệt…”, TS.BS Nguyễn Đình Liên cho biết.
Sinh lý nam là vấn đề không phải người đàn ông nào cũng dễ dàng và cởi mở chia sẻ với bạn đời, bạn gái mình. Nam giới chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về tình dục, sinh lý… nên dẫn đến tâm lý ngại đi khám. Theo TS.BS Nguyễn Đình Liên, điều này khiến người đàn ông dễ tự ti, thiếu tự tin khi có các biểu hiện bất thường về tình trạng cương cứng, xuất tinh, viêm nhiễm… Tâm lý này khiến nhiều người tự chữa theo quảng cáo hay tự mua thuốc ở hiệu thuốc. Khi không có hiệu quả mới tìm tới bác sĩ, mới tới bệnh viện.
“Có trường hợp bệnh nhân là nam sinh viên khi quan hệ với bạn gái đã xuất hiện tiểu buốt và xuất tinh sớm nhưng không đi khám và ra hiệu thuốc mua thuốc uống. Đến khi phải vào bệnh viện khám, chúng tôi tìm ra nguyên nhân là do bị hẹp bao quy đầu và thiếu kinh nghiệm về sức khỏe tình dục… Sau khi được tư vấn, điều trị, cụ thể là sử dụng thuốc để chữa hết viêm nhiễm, cắt bao quy đầu và được tư vấn đề sức khỏe tình dục, sức khỏe nam khoa, người bệnh đã trở về bình thường”, TS.BS Nguyễn Đình Liên nói.
TS.BS Nguyễn Đình Liên khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe nam khoa và tình dục an toàn, cần đẩy mạnh giáo dục sức khỏe giới tính tại học đường, với nội dung phù hợp từng độ tuổi học sinh. Với riêng nam khoa, khuyến khích nam giới khám sức khỏe định kỳ ở cơ quan, công sở. Nâng cao kiến thức về tình dục an toàn, sức khỏe sinh sản cho các đối tượng trẻ là thanh thiếu niên, sinh viên, công nhân lao động… Đặc biệt, nâng cao nhận thức về dự phòng, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
“Nam giới khi có ý thức về tình dục cần chủ động tìm hiểu kiến thức y học giới tính và nam khoa. Sinh hoạt lành mạnh, duy trì thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, đồng thời hạn chế bia rượu, thuốc lá và các chất gây nghiện. Luôn ý thức về sinh hoạt tình dục an toàn, lành mạnh. Khi gặp các vấn đề về sức khỏe nam khoa hay đi khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa để điều trị đúng”, TS.BS Nguyễn Đình Liên khuyến cáo.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết