Một nguyên mẫu máy bay không cánh đã được người Pháp tạo ra trong thực tế.
Kể từ buổi bình minh của loài người, chúng ta đã nhìn lên bầu trời và khao khát được bay lượn như những con chim. Nhưng ngay cả người có ít sự nhạy bén và hiểu biết về hàng không nhất cũng biết rằng để bay được, bạn cần có đôi cánh để tạo lực nâng giúp máy bay hoặc bất cứ thứ gì tương tự để cất cánh.
Và thứ gì khác mà máy bay sẽ cần để có thể bây lên? Đó là những đường băng dài. Đường băng, về bản chất, là một vấn đề nan giải. Bởi vì chúng chiếm nhiều diện tích đất và tốn kém để xây dựng cũng như bảo trì. Đặc biệt, các đường băng quân sự là mục tiêu đầu tiên trong một cuộc chiến, bởi vì nếu bạn phá hủy đường băng của kẻ thù, bạn đã loại bỏ được lực lượng không quân của đối phương một cách hiệu quả.
Trong những năm 1950, các kỹ sư máy bay đã bắt đầu suy nghĩ những ý tưởng vượt trội. Nếu máy bay có thêm nhiều sức mạnh và tính năng hơn, chúng có thể không cần phải dùng đường băng nữa. Do đó, một làn sóng thử nghiệm với các dạng máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) đã bắt đầu. Và nếu được chứng minh là thành công, về cơ bản các thiết kế mới sẽ loại bỏ hoàn toàn nhu cầu về đường băng vì chúng có thể cất cánh từ hầu như ở mọi nơi.
Nhà chế tạo động cơ máy bay nổi tiếng của Pháp SNECMA (Société Nationale d’Études et Construction de Moteurs d’Aviation, nay là Safran Aircraft Engines), đã sử dụng thiết kế của kỹ sư người Áo Helmut von Zborowski, để bắt đầu chế tạo một mẫu máy bay không sử dụng các đôi cánh hình tam giác điển hình. Trên thực tế, mẫu máy bay C.450 Coléoptère (trong tiếng Pháp có nghĩa là “bọ cánh cứng”) hoàn toàn không có cánh.
Được trang bị động cơ phản lực với thiết kế máy bơm hướng trục, Coléoptère có một “cánh” hình vòng tròn đường kính 3,2 mét bao quanh nửa dưới của máy bay. SNECMA hy vọng thiết kế này sẽ biến nó thành một máy bay phản lực bằng cách nén không khí đi vào, trộn nó với nhiên liệu và đốt cháy để đưa nó vượt xa tiêu chuẩn tốc độ Mach.
Trong quá trình cất cánh và hạ cánh, lực đẩy sẽ được làm lệch hướng bằng cách sử dụng các cánh quạt nằm trong ống xả của động cơ. Bốn vây nhỏ được đặt một cách chiến lược xung quanh “cánh” sẽ hoạt động như bánh lái để cung cấp khả năng điều khiển hướng khi đang bay. Các vây này có thể thu vào, được giấu bên trong mũi và sẽ triển khai khi cần giúp nghiêng máy bay lúc thẳng đứng chuyển sang chế độ “hạ cánh”.
Ghế buồng lái xoay được thiết kế cũng đầy sáng tạo cho phép phi công duy trì ở vị trí khóa và thẳng đứng dựa trên hướng trục của máy bay.
Vì đây là thời điểm trước khi các mô phỏng có thể thử nghiệm trên máy tính, cho nên các phi công phải trực tiếp tham gia thử nghiệm trên sản phẩm nguyên mẫu. Và các thử nghiệm đầu tiên trong thực tế được bắt đầu vào tháng 4 năm 1959.
Các vấn đề nghiêm trọng nảy sinh gần như ngay lập tức. Không có cánh ổn định, máy bay quay tròn khi lơ lửng ở giai đoạn cất cánh thẳng đứng. Ngồi như những phi hành gia trên đỉnh tên lửa, các phi công gặp khó khăn trong việc nhìn thấy mặt đất. Cuối cùng, vì không có cánh, về mặt lý thuyết phương tiện này sẽ không cho phép nó lướt đến nơi an toàn nếu động cơ hỏng. Dự án Coléoptère đối mặt nguy cơ thất bại.
Vào ngày 25/7/1959, SNECMA đã tiếp tục “chày cối” thử nghiệm khả năng chuyển đổi từ chế độ cất cánh thẳng đứng sang chế độ bay ngang của máy bay. Nhưng nó nghiêng quá nhiều và phi công không thể lấy lại quyền kiểm soát. Anh ta buộc phải lao ra ngoài để giữ tính mạng, và Coléoptère đã bị phá hủy sau khi rơi. Viêc xin tài trợ cho nguyên mẫu thứ hai đã không thành hiện thực và dự án cuối cùng đã bị hủy bỏ.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết