6 tháng đầu năm 2022, dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có nhiều trường hợp tử vong, Bộ Y tế và các Sở đang cấp bách tìm hướng giải quyết.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 62.955 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 29 trường hợp tử vong, 47.821 trường hợp nhập viện điều trị. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 97%, số tử vong tăng 24 trường hợp. Tỉ lệ tử vong/số ca mắc hiện là 0,046% so với chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia là 0,09%.
Có thể thấy, số ca mắc SXH trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao. Dự báo thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết theo dự báo, chu kỳ dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào năm nay. Nguy cơ SXH vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn.
Vì sao năm nay sốt xuất huyết bùng phát mạnh?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng TP HCM), cho biết sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt là vào mùa hè. Lý do là mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho loăng quăng, bọ gậy phát triển.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, thông thường số ca sốt xuất huyết sẽ tăng cao theo chu kỳ 3-5 năm. Tình trạng sốt xuất huyết năm nay tăng cao là do 3 yếu tố:
Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường hóa sau dịch COVID-19, số người đi lại giữa các vùng miền tăng cao, tiếp xúc nhiều, từ đó tạo điều kiện để sốt xuất huyết lây nhiễm;
Sau vài năm giãn cách xã hội do COVID-19, hệ miễn dịch của người dân cũng dần suy giảm;
Tình hình biến đổi khí hậu năm nay tương đối phức tạp, mưa nắng thất thường, là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh trưởng.
Nhận biết sốt xuất huyết
Để nhận biết bản thân, con nhỏ mắc sốt xuất huyết, theo BS Khanh, thông thường khi người mắc bệnh trong 2 ngày đầu sẽ thường sốt cao, khó hạ sốt, hết thuốc sẽ sốt lại, ít khi kèm ho sổ mũi hay tiêu chảy. Hai ngày đầu người nghi mắc nên theo dõi sát sao.
Sau 2 ngày, người bệnh nên xét nghiệm máu, thậm chí xét nghiệm nhiều lần để chẩn đoán và theo dõi mức độ nặng hay nhẹ.
Theo phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, dưới đây là các triệu chứng cho thấy người bệnh SXH cần tới ngay cơ sở y tế:
– Chảy máu (các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; Kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo);
– Nôn liên tục;
– Đau bụng dữ dội;
– Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật;
– Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm;
– Khó thở
Điều trị sốt xuất huyết
Đối với những trường hợp điều trị tại nhà, BS Khanh lưu ý người bệnh nên uống nhiều nước, thức ăn lỏng dễ tiêu và tránh thức ăn màu đỏ, đen nâu (để tránh nhầm lẫn với xuất huyết), hạn chế vận động, tái khám và theo dõi các dấu hiệu trở nặng để đi viện kịp thời.
Đối với trẻ sốt trên 38,5 độ C, các bậc phụ huynh nên dùng paracetamol 10-15mg/kg/lần, sử dụng 3-4 lần/ngày; lau mát bằng nước ấm khi sốt cao, hạn chế vận động.
Ngoài ra, khi điều trị tại nhà, người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc aspirin, ibuprofen, ponstan, chất chống viêm, steroid, cạo gió. Người bệnh hạn chế uống kháng sinh, không truyền dịch ở phòng khám tư khi mắc sốt xuất huyết
Phòng tránh sốt xuất huyết
Việc phòng tránh rất quan trọng nhưng rất ít phụ huynh chú ý. Để phòng tránh sốt xuất huyết, người dân nên:
– Diệt muỗi, nếu thấy có muỗi thì tìm chỗ có loăng quăng để diệt
– Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng
– Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày…
– Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết