Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến kỳ nghỉ Tết nguyên đán Qúy Mão 2023. Giá vé máy bay Tết đang tăng mạnh, vậy làm thế nào để mua được vé giá mềm?
Giá vé khứ hồi từ TP HCM đi các tỉnh thành phía Bắc và miền Trung như Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa… giai đoạn cao điểm, chiều Nam – Bắc trước Tết và Bắc – Nam sau Tết bình quân 5 – 7 triệu đồng/vé khứ hồi.
Trao đổi với Báo Người Lao Động , một chuyên gia hàng không đánh giá giá vé máy bay Tết năm nay tăng từ 5-10% so với năm ngoái do 3 nguyên nhân.
Trước tiên, các hãng hàng không hiện nay đang trải qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm qua và vẫn chưa dừng lại. Bên cạnh đó, giá xăng dầu hiện nay đang tăng rất cao. Năm 2021, giá dầu Jet A1 bình quân 72 USD/thùng, đến nay có thời điểm đã lên tới 162 USD/thùng, dự báo giá bình quân năm nay đạt mức 143,4 USD/thùng, cao gấp 2 lần so với 2021.
Tỉ giá hối đoái tăng, dẫn đến chi phí của các hãng hàng không tăng cao. Thêm vào đó, nhu cầu đi lại dịp Tết tăng mạnh dẫn đến các hành khách mua vé máy bay sát ngày bay thường gặp phải vé giá cao.
Do đó, để có thể mua vé máy bay với giá hợp lý hơn, hành khách nên có kế hoạch đi lại sớm. “Không chỉ giai đoạn hiện nay mà các năm trước, thường vé máy bay sát ngày bao giờ giá vé cũng cao hơn do các hãng hàng không thường mở bán các dải vé giá rẻ từ xa, từ sớm” – chuyên gia này khuyến cáo.
Trên thực tế, trước đây, các hãng hàng không thường có chính sách khuyến mại, nhưng sau giai đoạn ảnh hưởng bởi COVID-19, các chương trình khuyến mại ít hơn, các vé giá thấp cũng hết sớm.
Hiện nay, tuy giá vé dịp Tết có cao nhưng vẫn nằm trong khung giá trần quy định. Khung giá này vẫn chưa thay đổi từ năm 2015, khi giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á khoảng 84,7 USD/thùng, tính cả thuế là 90,63 USD/thùng.
Để tiết kiệm chi phí, có người chọn cách thay vì cả nhà về quê ăn Tết, có thể mời bố mẹ vào Nam ăn Tết. Sau giai đoạn cao điểm Tết sẽ đưa bố mẹ về quê và thăm họ hàng… Do đặc trưng các chuyến bay Tết sẽ bị “lệch đầu”, các chuyến bay từ Bắc vào Nam trước Tết và từ Nam ra Bắc sau Tết sẽ ít người đi và giá vé rẻ hơn nhiều.
Chị Hoài Thu (TP Hà Nội) thường về Bà Rịa – Vũng Tàu ăn Tết cùng gia đình cho biết do bay chiều thấp điểm, mỗi lần đi lại dịp Tết chị chi khoảng hơn 2 triệu đồng tiền vé máy bay khứ hồi (đã tính thuế phí).
Với chiêu “bay vòng Thái Lan về Hà Nội rẻ hơn”, chuyên gia này cho rằng đó chỉ là “tính cho vui” và khó áp dụng đại trà, vì trên thực tế việc bay vòng với nhiều thủ tục xuất nhập cảnh mất thời gian, chưa tính đến chi phí dọc đường và nguy cơ chuyến bay có thể gặp trục trặc, ảnh hưởng dây chuyền…
Hành khách cũng có thể đặt những chuyến bay ngoài các khung giờ cao điểm, bay đêm với giá thấp hơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý có kế hoạch sớm vì nếu đến sát ngày bay mới đặt vé, có thể các chuyến bay ngoài giờ cao điểm cũng hết vé giá rẻ hoặc không còn chỗ.
Vé Tết năm nay được các hãng mở bán sớm hơn các năm trước và cũng không có vé giá rẻ. Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân vào dịp Tết Quý mão 2023, các hãng hàng không Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch tăng chuyến Tết Quý Mão (từ ngày 15 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết 15 tháng Giêng năm Quý Mão).
Các hãng đã xây dựng kế hoạch khai thác 25.613 chuyến bay và dự kiến tăng thêm 8.079 chuyến tương đương 32% (từ 25.613 chuyến lên 33.691).
Các chuyến bay trung bình/ngày tăng 260 chuyến/ngày (từ 826 lên 1.087). Ghế cung ứng tăng 1,6 triệu ghế tương đương 33% (từ 5,1 triệu lên 6,7 triệu ghế); ghế cung ứng tăng trung bình 53,9 ngàn ghế/ngày (từ 163 ngàn ghế lên 216,9 ngàn ghế).
Các đường bay tăng chuyến cao tập trung vào các đường bay: TP HCM – Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa, Chu Lai, Hải Phòng, Qui Nhơn, Huế và ngược lại.
Đại diện một hãng hàng không cho biết khi nhu cầu dịp Tết đi lại tăng cao, các hãng hàng không có thể tính toán tăng thêm chuyến bay dịp Tết với sự cho phép của nhà chức trách hàng không. Có thể giai đoạn đó sẽ có những vé giá mềm hơn.
“Tuy nhiên, giá vé cũng khó có thể giảm sâu. Những chuyến bay tăng thêm đột xuất, các hãng hàng không phải tính toán doanh thu và chi phí cho cả 2 chiều bay, trong khi đặc trưng bay lệch đầu dịp cao điểm Tết: Chiều đi từ Nam ra Bắc giá cao nhưng chiều về giá rẻ mà rất ít người bay, thậm chí không có khách nào thì vẫn phải bay” – vị đại diện này cho biết.
Như Tết năm ngoái (Tết Nhâm Dần 2022), Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần điều chỉnh lịch tăng chuyến dịp Tết.
Theo kế hoạch ban đầu, các hãng hàng không đã xây dựng phương án tổng ghế cung ứng 2,85 triệu ghế và 13,4 ngàn chuyến bay (bằng 107% về số ghế và 109% về chuyến bay so với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021).
Ngày 21-1-2022, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng slot và quyết định tăng tham số điều phối và chuyến bay. Theo đó, giai đoạn cao điểm Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 từ 23-1 đến 16-2, tổng tải cung ứng trên toàn quốc tăng xấp xỉ 13%, đạt 3,2 triệu ghế và 15,3 ngàn chuyến bay nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách…
Đến ngày 6-2, do nhu cầu tăng cao của nhân dân đi vào phía Nam sau kỳ nghỉ Tết trong khi các khung giờ bay vào ban ngày đã rất đông, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không tăng chuyến bay đêm. Các hãng đã lập kế hoạch để tăng hơn 100 chuyến bay trong thời gian từ ngày 6 đến ngày 12-2 năm 2022, chủ yếu chặng Hà Nội – TP HCM.
Ngày 7-2, Cục Hàng không Việt Nam đã cho phép các hãng hàng không tăng thêm hơn 250 chuyến bay trên các đường bay từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Ngoài số chuyến bay tăng nêu trên, các chuyến bay thường lệ và tăng chuyến đã được cấp phép trong 4 ngày nêu trên đạt 3.180 chuyến, cung ứng hơn 667 ngàn ghế.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết