Hiện nay, sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu về sốt xuất huyết dẫn đến không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 62.955 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 trường hợp tử vong, 47.821 trường hợp nhập viện điều trị. So với cùng kỳ năm 2021 số ca mắc tăng 97%, số tử vong tăng 24 trường hợp. Tỉ lệ tử vong/số ca mắc hiện là 0,046% so với chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia là 0,09%.
Sốt xuất huyết là một bệnh lý không hề mới, lưu hành hàng năm và có thể tạo thành nhiều ổ dịch rải rác khắp cả nước. Tại sao một căn bệnh đã cũ nhưng vẫn có thể bùng phát một cách rộng rãi đến vậy? Tại sao vẫn có những ca tử vong đáng tiếc do một căn bệnh chẳng hề xa lạ? Và đâu là những sai lầm có thể tăng nguy cơ tử vong mà chúng ta cần phải biết để tránh?
Tất cả sẽ được giải đáp trong chương trình “Chuyện khó có bác sĩ” hôm nay với chủ đề “Cảnh báo bùng phát sốt xuất huyết: Những sai lầm tăng nguy cơ tử vong” với sự tham gia tư vấn của PGS.TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế.
Dưới đây là một số nội dung của chương trình:
Nhận biết sốt xuất huyết
Hỏi: Sốt xuất huyết là gì? Sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?
Đáp: Sốt xuất huyết là bệnh sốt không lây nhiễm trên động vật và cũng không truyền trực tiếp từ người sang người. Sốt xuất huyết lây truyền qua vật thể / véc-tơ trung gian là muỗi vằn.
Khi bị nhiễm sốt xuất huyết, trong vòng từ 7 – 14 ngày, người bệnh sẽ có triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau xương, đau cơ,…. Một số người chỉ có triệu chứng sốt và không có triệu chứng xuất huyết nhưng cũng có một số trường hợp lại có tình trạng xuất huyết như nổi ban đỏ trên tay chân, chảy máu cam, xuất huyết đường tiêu hoá như xuất huyết dạ dày, ruột non. Đối với phụ nữ, rất có thể chị em sẽ xuất hiện tình trạng rong kinh.
Vì vậy, khi có dấu hiệu sốt trong thời điểm này, người dân nên đến các cơ sở y tế thăm khám để tránh nhầm lẫn với các bệnh khác và có các phương án điều trị phù hợp.
.
Hỏi: So với các bệnh sốt thông thường khác, sốt xuất huyết có điểm nào đáng phải lưu tâm hơn không?
Đáp:
Các bệnh sốt thông thường sẽ có các triệu chứng trên đường hô hấp như ho, đau họng,..
Tuy nhiên, đối với sốt xuất huyết, sau thời gian ủ bệnh, cơ thể người bệnh có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
– Nổi nốt phát ban mịn.
– Chảy máu chân răng.
– Chảy máu phủ tạng.
– Đau mỏi người, đau cơ.
Các triệu chứng khởi phát thường tương đối nhẹ. Do đó, bác sĩ khuyến cáo nếu có triệu chứng, người bệnh cần đến bệnh viện làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh chính xác.
Hỏi: So với cùng kỳ các năm trước, năm nay số ca sốt xuất huyết tăng nhiều hơn đáng kể. Tại sao lại có tình trạng này?
Đáp:
Thông thường, chu kỳ của sốt xuất huyết sẽ tăng cao khoảng 3 – 5 năm/lần.
Tình trạng sốt xuất huyết năm nay tăng cao là do 3 yếu tố:
– Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường hoá sau dịch Covid-19, số người đi lại giữa các vùng miền tăng cao, tiếp xúc nhiều, từ đó tạo điều kiện để sốt xuất huyết lây nhiễm.
– Sau vài năm giãn cách xã hội do Covid-19, hệ miễn dịch của người dân cũng dần suy giảm.
– Tình hình biến đổi khí hậu năm nay tương đối phức tạp, mưa nắng thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh trưởng.
Hỏi: Bên cạnh việc số ca mắc bệnh tăng cao, số ca tử vong do sốt xuất huyết cũng tăng dần. Vậy điều gì khiến số ca tử vong tăng lên?
Đáp: Có 4 yếu tố khiến số ca tử vong tăng cao:
– Số ca mắc tăng cao thì số trường hợp nặng và tử vong thường tăng theo.
– Do người dân khi có triệu chứng thường đến các cơ sở tư nhân không có đầy đủ cơ sở vật chất, máy móc và kinh nghiệm để chẩn đoán bệnh. Điều này khiến tình trạng bệnh trở nặng và gây khó khăn cho việc điều trị.
– Do sau dịch Covid-19, nhiều người e ngại đến bệnh viện thăm khám.
– Do nhiều người nhầm lẫn bản thân mắc Covid-19 hoặc các bệnh khác nên không đi khám và điều trị.
Hỏi: Triệu chứng cảnh báo sốt xuất huyết nặng cần đưa bệnh nhân tới viện là gì?
Đáp:
Sau khi mắc sốt xuất huyết từ 3 – 5 ngày, tình trạng bệnh rất dễ chuyển biến nặng. Người bệnh có thể có có các triệu chứng như mệt mỏi, cô đặc máu, thoát huyết tương, chảy máu ồ ạt, xuất huyết dạ dày, rong kinh dù đã hạ sốt. Do đó, người bệnh không nên chủ quan, khi có dấu hiệu nặng cần đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
Hỏi: Thời điểm chúng ta cần lưu tâm nhất để tránh được những biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết?
Đáp: Khoảng thời gian mà người bệnh cần lưu tâm là từ 3 – 7 ngày sau khi có dấu hiệu sốt. Đây là khoảng thời gian người bệnh dễ bị giảm tiểu cầu, cô đặc máu, sốc do sốt xuất huyết.
Hỏi: Khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân nên làm gì để cơ thể nhanh hồi phục?
Đáp: Nếu chỉ mắc sốt xuất huyết nhẹ, người bệnh có thể điều trị tại nhà thì nên làm các điều sau để cơ thể nhanh hồi phục:
– Người bệnh cần phát hiện bệnh sớm.
– Bù nước, bù chất điện giải đúng cách.
– Uống thuốc Paracetamol để hạ sốt, tuyệt đối không uống các loại hạ sốt khác như aspirin,… vì có thể làm tăng khả năng bị xuất huyết.
– Thường xuyên theo dõi các triệu chứng, đặc biệt là các triệu chứng liên quan đến xuất huyết như chảy máu cam, xuất huyết trên da, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt đến sớm hoặc kinh nguyệt kéo dài,…. Khi có triệu chứng khác thường, người bệnh cần nhập viện để điều trị.
Quan niệm sai lầm về sốt xuất huyết
Hỏi: Nhiều người quan niệm sốt xuất huyết chỉ mắc một lần trong đời. Điều này có đúng không?
Đáp: Có 4 loại sốt xuất huyết là sốt xuất huyết type 1, type 2, type 3, type 4. Khả năng miễn dịch với bệnh tương đối bền vững. Nếu người bệnh đã từng nhiễm sốt xuất huyết type 1 thì sẽ không tái nhiễm nữa. Tuy nhiên, người đã từng mắc bệnh vẫn có thể nhiễm sốt xuất huyết type khác.
Đặc biệt, khi mắc sốt xuất huyết lần 2 ở type khác, tình trạng bệnh sẽ dễ chuyển nặng hơn so với người mắc sốt xuất huyết lần đầu.
Do đó, người dân không nên chủ quan và cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh sốt xuất huyết.
Hỏi: Khi xuất hiện triệu chứng của sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, nhiều người tự ý mua thuốc giảm đau về uống. Thói quen này nguy hiểm như thế nào?
Đáp: Khi bị sốt, người bệnh có thể uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, trên thực tế các bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh chỉ nên dùng Paracetamol để hạ sốt và giảm đau. Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc có thể gây xuất huyết như Aspirin, Ibuprofen,…
Có nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi uống thuốc mới có các triệu chứng xuất huyết. Do đó, người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Hỏi: Nhiều người cho rằng muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chỉ sống ở những nơi ao tù hoặc nơi nước bẩn. Điều này có đúng không ạ?
Đáp: Có rất nhiều loại muỗi và mỗi loại muỗi thường có điều kiện sinh trưởng khác nhau. Muỗi vằn gây sốt xuất huyết thường sinh sản ở chỗ có nước trong, thường đốt người vào ban ngày.
Muỗi vằn thường sinh sản ở những nơi có dụng cụ chứa nước sạch như bát, chai, lọ, lon, hộp có nước mưa đọng, lọ hoa, lốp ô tô…
Do đó, hàng tuần, người dân nên vệ sinh các loại dụng cụ ở trong nhà và ngoài trời để tránh tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản.
Hỏi: Nhiều người vẫn tin cắt lể vào vết xuất huyết trên da để nặn máu độc sẽ điều trị được sốt xuất huyết. Quan niệm này có đúng không?
Đáp: Hành động cắt lể vào vết xuất huyết là hành động rất nguy hiểm và vô ích. Hành động này có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm, ảnh hưởng đến xương khớp,…
Thay vào đó, người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống, bổ sung chất điện giải, uống nước ép hoa quả, ăn cháo, uống thuốc hạ sốt để cải thiện tình trạng bệnh.
Hỏi: Nhiều người cho rằng khi bị sốt xuất huyết thì không nên tắm để tránh làm bệnh nặng thêm. Điều này có đúng không?
Đáp: Kiêng tắm là quan niệm từ ngày xưa vì khi đó người dân thường tắm ở ngoài nên dễ bị cảm lạnh, viêm phổi. Còn hiện nay, khi mắc sốt xuất huyết chúng ta có thể tắm ở chỗ kín, tránh gió lùa.
Hỏi: Trong bối cảnh sốt xuất huyết ngày càng gia tăng, chúng ta phải làm gì để có thể phòng tránh bệnh?
Đáp: Để phòng tránh sốt xuất huyết, người dân cần lưu ý những điều sau:
– Thực hiện biện pháp ngăn chặn muỗi đốt để tránh mắc bệnh như diệt loăng quăng, bọ gậy, nằm màn khi ngủ, không cởi trần, vệ sinh nhà cửa,…
– Khi có triệu chứng nghi ngờ cần đi khám bệnh để chẩn đoán sớm, tránh bệnh trở nặng.
Hỏi: Phun thuốc muỗi liệu có hiệu quả trong việc phòng tránh sốt xuất huyết? Nên phun vào thời điểm nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Đáp: Để phòng tránh sốt xuất huyết, phun thuốc muỗi là điều cần thiết.
Tuy nhiên, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết không chỉ đậu ở trên tường mà còn đậu ở các vật dụng ở trong nhà, thậm chí là trên quần áo.
Vì vậy, việc phun thuốc muỗi để diệt hoàn toàn muỗi và phòng bệnh sẽ gặp khó khăn và chỉ diệt được những con muỗi đang mang mầm bệnh trong thời gian ngắn.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết