Tiền lương là căn cứ để đóng BHXH. Vì vậy, khi tiền lương cơ sở tăng lên thì mức đóng BHXH của người lao động và doanh nghiệp cũng sẽ tăng theo.
Chiều ngày 20/10, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023, nhưng từ ngày 1-7-2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 1-1-2023.
Điều mà dư luận quan tâm là tăng lương cơ sở thì mức đóng BHXH có tăng lên và tiền lương hưu sau này có tăng thêm.
Theo Luật sư Nguyễn Tuấn Long (Hội Luật sư TP HCM) Khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bao gồm: Mức lương; Phụ cấp lương; Các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Hàng tháng, người lao động và người sử dụng lao động phải trích một phần quỹ lương để đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Doanh nghiệp đóng theo tỷ lệ 21,5% hoặc 21,3% quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động, người lao động đóng tổng cộng 10,5% tiền lương tháng đóng BHXH.
Ví dụ, tiền lương tính đóng BHXH hàng tháng là 5.000.000 đồng/tháng thì mức trích đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động 525.000 đồng/tháng. Và doanh nghiệp phải đóng gần 1,2 triệu đồng.
Khi tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng thì khi đó lương người cán bộ, công chức, viên chức tăng 20,8%, có nghĩa khoản đóng BHXH bắt buộc của họ cũng tăng 20,8% so với khoản đóng trước khi tăng.
Mặc dù tiền lương, tiền phụ cấp, các khoản thu nhập khác được xem là căn cứ để đóng BHXH. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, công ty “lách luật” bằng cách tách bảng lương với các khoản phụ cấp, khoản thưởng để giảm mức đóng BHXH.
Do đó, việc người sử dụng lao động đóng BHXH thấp hơn lương thực tế trả cho người lao động nhưng vẫn đảm bảo đóng đủ theo các khoản quy định thì không bị coi là trái luật.
Cũng theo LS Nguyễn Tuấn Long, trong thực tế, lương cơ bản tăng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tăng tiền đóng BHXH cho người lao động. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, tăng mức đóng BHXH lên thì ngoài việc tăng tiền lương cơ sở, tăng lương cơ bản, các cơ quan chức năng cần làm chặt khâu thanh tra, giám sát, yêu cầu doanh nghiệp, chủ sử dụng đóng đúng, đóng đủ BHXH cho người lao động.
Theo khoản 3 Điều 89 Luật BHXH năm 2014, trường hợp tiền lương tháng đóng BHXH cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì doanh nghiệp và người lao động và doanh nghiệp cũng chỉ đóng BHXH với mức tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở, tương đương 28,9 triệu đồng/tháng.
Ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho biết, đương nhiên tiền lương tăng lên thì mức đóng BHXH dựa trên tiền lương đó cũng tăng lên. Điều này rất có lợi cho lao động vì tiền đóng BHXH tăng lên thì chế độ BHXH, lương hưu sau này của lao động cũng tăng lên đáng kể.
Chính phủ đề nghị các bộ ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương. Giai đoạn 2023-2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định cũ cho tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Năm 2023 giữ nguyên mức lương hiện hưởng như năm 2022 là 1,49 triệu đồng/tháng.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết