Một nghiên cứu mới cho thấy thay đổi mô hình giấc ngủ, thức khuya ở tuổi vị thành niên làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi và chậm phát triển não bộ ở lứa tuổi này.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Child Psychology and Psychiatry (Tâm lý và tâm thần học trẻ em) ngày 3-11, con người thay đổi mô hình giấc ngủ của mình trong những năm tháng thiếu niên.
Cụ thể, các bạn trẻ có xu hướng chuyển từ thói quen dậy sớm sang thói quen thức khuya vì cảm thấy tỉnh táo, làm việc hiệu quả hơn vào buổi tối.
Tuy nhiên, việc thức khuya khiến ” cú đêm ” bị xung đột với thời khóa biểu học tập và sinh hoạt hằng ngày nói chung và bị thiếu ngủ triền miên. Do đó, các ” cú đêm ” có nguy cơ mắc các vấn đề về cảm xúc và hành vi cao hơn so với các bạn bè là “họa mi” dậy sớm.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra người dậy sớm và người thức khuya có cấu trúc não khác nhau, cụ thể là sự khác biệt về chất xám và chất trắng – những chất liên quan đến sự khác biệt về trí nhớ, cảm xúc, sự chú ý và sự đồng cảm.
Mặc dù vậy, câu hỏi là thức khuya làm tăng nguy cơ bị các vấn đề về cảm xúc và hành vi sau này hay ngược lại, các vấn đề về cảm xúc và hành vi khiến ai đó trở thành người thức khuya?
Tham gia vào nghiên cứu, hơn 200 thiếu niên và các phụ huynh phải trả lời một loạt câu hỏi về thói quen ngủ và trạng thái cảm xúc, hành vi của các bạn. Họ phải lặp lại các khảo sát này nhiều lần trong bảy năm sau đó.
Các bạn trẻ cũng được chụp ảnh não vào hai thời điểm cách xa nhau để đối chiếu sự phát triển của não. Nhóm nghiên cứu tập trung lập bản đồ những thay đổi trong cấu trúc của chất trắng – mô liên kết của não cho phép cơ quan này xử lý thông tin và hoạt động hiệu quả.
Kết quả: các bạn trẻ chuyển từ thói quen dậy sớm sang thức khuya ở giai đoạn đầu tuổi vị thành niên (khoảng 12-13 tuổi) có nhiều khả năng gặp các vấn đề về hành vi vài năm sau đó như hung hăng, vi phạm quy định, quy tắc và có các hành vi xa lánh xã hội.
Tuy nhiên, không có nguy cơ các vấn đề về cảm xúc, như lo lắng hay buồn phiền tăng lên.
Sự liên hệ này không diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Nghĩa là, các vấn đề về cảm xúc và hành vi không khiến một bạn trẻ đổi thành “họa mi” hoặc “cú đêm” ở cuối tuổi vị thành niên.
Nghiên cứu cũng cho thấy người trở thành “cú đêm” trong tuổi vị thành niên có tốc độ phát triển não khác so với những bạn đồng lứa vẫn duy trì thói quen dậy sớm.
Chất trắng ở “cú đêm” không tăng với mức tương đương như các “họa mi”. Trong khi đó, sự tăng trưởng về chất trắng rất quan trọng trong thời niên thiếu vì hỗ trợ sự phát triển nhận thức, cảm xúc và hành vi ở một người.
Kết luận của nghiên cứu chỉ ra việc trở thành “cú đêm” làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về hành vi và chậm phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên sau này.
Do đó, xây dựng thói quen đi ngủ sớm của trẻ vị thành niên là rất quan trọng để đảm bảo hành vi tốt và cảm xúc tốt về sau, vì ngủ đủ giấc rất quan trọng với sức khỏe tinh thần và não bộ.
Điều đáng mừng là mô hình thức/ngủ của một người có thể thay đổi. Tiếp xúc với ánh sáng (cả ánh sáng nhân tạo) làm thay đổi nhịp sinh học của chúng ta và hệ quả là có thể ảnh hưởng đến giờ đi ngủ của chúng ta. Vì vậy, hạn chế tiếp xúc với ánh đèn, màn hình sáng buổi tối có thể giúp điều chỉnh thói quen ngủ trễ.
Thấy ánh sáng buổi sáng cũng giúp đồng hồ sinh học bên trong chúng ta chuyển sang nhịp điệu hướng về buổi sáng hơn. Các bố mẹ có thể khuyến khích con ăn sáng ngoài trời như ban công hay trong vườn để kích thích đồng hồ sinh học vào chế độ tỉnh táo ban ngày.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết