Cứ ngày 23 tháng Chạp hằng năm, người Việt mình lại tất bật dâng lên bàn thờ những mâm cúng đầy đặn, những chiếc mũ sặc sỡ và cả những thoi vàng thoi bạc bằng hàng mã để tiễn các vị thần bếp lên chầu trời. Chuyến đi này được rất nhiều người quan tâm.
Tháng Chạp là tháng bận rộn nhất trong năm, lúc ấy ai cũng cố hoàn thành mọi công việc và lễ nghi để đón Tết. Người ta cứ nghĩ có cả một tháng dài để chuẩn bị đón Tết, chỉ khi đến ngày lễ cúng ông Công ông Táo mới giật mình thảng thốt, Tết đã đến bên hiên cửa rồi.
Ông Công ông Táo là ai?
Ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày Táo quân – thần trông coi đời sống của gia đình sẽ lên chầu trời. Ngài sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc vui nỗi buồn diễn ra trong gia đình trong suốt năm qua.
Trong văn hoá dân gian, có xuất hiện Táo quân, thổ công, thổ địa, thổ kỳ. Vậy ông Công ông Táo được phân biệt như thế nào?
Theo quan niệm xưa, ông Công chỉ phụ trách riêng về việc bếp núc, Thổ địa trông nom việc nhà, Thổ Kỳ có nhiệm vụ coi về chợ búa và tăng gia sản xuất cho đàn bà.
Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, cụ Nguyễn Văn Huyên có nói: “Dù sao khi người ta phân biệt được các vị thần đó, thì thổ công được trình bày trên bàn thờ bằng một cặp vợ chồng, còn Táo quân là một bộ ba gồm một thần nữ và hai thần nam kèm bên. Tuy nhiên, người ta thường công nhận rằng thổ công được gộp trong bộ ba đó, gồm thổ kỳ, thổ địa và thổ công, theo lời dạy của các nhà nho. Các vị này được tiêu biểu bằng ba hòn gạch xếp thành cái kiềng đun bếp: hòn thứ nhất tiêu biểu cho thần đất nói chung, hòn thứ hai là đất trong nhà, và hòn thứ ba là thần bếp”. “
Trong Chuyện cũ của Hà Nội, Tô Hoài lại nói thế này: “Hai mươi ba, cúng ông Công ông Táo. Vua bếp lên chầu trời tâu việc dương gian gia chủ quanh năm ăn ở tốt hay xấu. Lý lịch trích ngang của vua bếp người ta kể thì vừa thành kính vừa tiếu lâm. Ba hòn đất trong bếp – ba ông đầu rau, bảo đấy là “vua bếp hai ông một bà””.
Nói một cách dễ hiểu hơn, ông Công ông Táo là vị thần đất và thần bếp.
Để hiểu rõ hơn về ngọn nguồn các vị thần này, có lẽ phải nhắc đến một câu chuyện tình cảm động được truyền cảm hứng trong văn học dân gian.
Chuyện xưa kể rằng, có một đôi vợ chồng, chồng tên Trọng Cao, vợ tên Thị Nhi. Nhiều năm qua đi, hai người chẳng có một mụn con, vì thế mà hay bất hoà, cãi nhau. Một lần, Trọng Cao nổi giận nên đánh đập khiến Thị Nhi bỏ đi.
Đi mãi cũng mệt, Thị Nhi nằm nghỉ bên ngã tư đường. Nàng nom thấy một người đàn ông hiền lành đi cày về, tên là Phạm Lang. Nàng theo Phạm Lang trở về nhà, hai người trở thành vợ chồng từ ấy.
Nhiều năm qua đi, chồng trước của Thị Nhi là Trọng Cao nếm trải mọi nỗi cơ hàn, trở nên nghèo khó đến mức phải đi ăn xin. Một ngày, đi mãi dưới trời nắng mà chưa gặp được nhà nào để xin ăn, mệt lả nên ngã đúng trước cửa nhà Thị Nhi.
Nàng nhận ra người chồng cũ, nàng mời Trọng Cao vào nhà, mang đồ ăn đồ uống. Đói lâu ngày, mải ăn uống, Trọng Cao say rượu ngã lăn ra đất. Thị Nhi vốn không muốn Phạm Lang giáp mặt chồng cũ nên khiêng Trọng Cao ra đống rơm giấu kín trong đó.
Lát sau, Phạm Lang trở về nhà. Trước khi đi nằm, chàng bỗng nhớ ra việc đốt đống rơm để mai có tro rắc lên thửa lúa mà không phải cày. Chẳng mấy chốc, đống rơm có Trọng Cao nằm trong đó cháy ngùn ngụt. Khi Thị Nhi nhìn thấy đám lửa bùng lên như vậy thì thấy rất đau xót, cho rằng mình chính là nguyên nhân ngộ sát chồng cũ. Nàng đã lao vào đống lửa tự thiêu để trừng phạt mình. Phạm Lang trông thế cũng nhảy theo nàng. Cả hai đều chết cháy. Người đầy tớ chạy đến nơi thấy ông bà chủ co quắp chết cháy thì không thiết sống nữa, lao vào đống rơm chết theo ông bà chủ.
Xúc động trước câu chuyện bi thương ấy, Ngọc Hoàng đã giao cho họ trông nom bếp núc của các gia đình và xem xét hành vi của con người.
Cũng trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, cụ Huyên có nói “để tưởng nhớ tấn bi kịch gia đình này mà người ta đặt tên cho hai hòn đá đặt hai bên là Ông, nhắc lại hai người chồng, và hòn đá đặt phía trước là Bà, hiện thân cho người vợ. Còn về viên cuội đặt trên than để không cho nó cháy quá nhanh tên là Hòn lộc, thì nó tiêu biểu cho người đầy tớ trung thành”.
Với mong muốn được các vị thần Đất, thần Bếp bảo vệ bình an cho gia đình, mang đến may mắn cho không gian sống mà người Việt mình thường làm lễ đưa tiễn các vị thần lên chầu trời một cách long trọng.
Các vị thần này, lên trời ngày 23 tháng Chạp.
Cuộc khởi hành bằng cá chép vào ngày 23 tháng Chạp
Các chị các mẹ phấn khởi chuẩn bị mâm cỗ đầy đặn hương sắc để tiễn đưa các vị thần. “Người ta đốt cho các thần những chiếc mũ tuyệt đẹp trang điểm hoa sặc sỡ, nhiều thoi vàng và bạc bằng hàng mã. Người ta thả xuống con sông gần nhất những con cá chép dùng làm ngựa cho các thần đó cưỡi trên chặng đường mây dài từ đất lên trời”. Trong Hội hè lễ Tết của người Việt, cụ Huyên đã nhắc như vậy.
Không chỉ cụ Nguyễn Văn Huyên, ngay cả nhà văn Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai cũng đã viết rằng “Muốn nói gì thì nói, người vợ, đúng ngày hai mươi ba tháng Chạp, cứ phải đủ lệ bộ tiễn ông Táo lên trời thì mới yên lòng” hay người vợ cứ nằng nặc rằng “nhưng lễ tiễn ông Táo vẫn cứ lễ tiễn như thường vì không làm như thế thì em ăn Tết không ngon”.
Một căn bếp nhỏ được ví như trái tim trong mỗi gia đình. Ở nơi đó, người vợ, người mẹ thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương bằng những món ngon, cơm canh nóng hổi, sẵn sàng. Cho nên, việc người Việt tỏ lòng thành với các vị thần bếp là thể hiện sự quan trọng của mái ấm gia đình, coi trọng sự yên ấm và bình an, đó là lẽ thường của một dân tộc chất phác và hồn hậu.
Coi trọng lễ cúng ông Công ông Táo từ nếp xưa, nối tiếp đến cuộc sống hiện đại ngày nay. Dù bận rộn đến mấy, dù thời gian có làm phai mờ nhiều tục lệ đi chăng nữa, đến ngày 21, 22 tháng Chạp đã thấy đầy những chậu cá ngoài chợ từ sáng tinh sương. Không để phong tục mai một, những mâm cúng hiện đại của các bà, các mẹ còn đầy đủ màu sắc và hương vị hơn nhiều so với xưa.
Bởi vậy, tục cúng ông Công ông Táo có ý nghĩa quan trọng trong tín ngưỡng và đời sống tâm linh của người Việt mình. Ai cũng mong gia đình được bình yên, phúc lành, ấm no và đầy đủ. Người chồng, người vợ nào cũng mong cả năm ấy “cơm lành, canh ngọt”.
Thuận theo người xưa quan niệm “có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”, trong ngày lễ cúng ông Công ông Táo cũng có những điều phải kiêng kỵ. Chẳng hạn như mâm cúng ông Công ông Táo phải đặt đâu mới đúng? Điều này cũng gây nên nhiều tranh cãi, thần Bếp thì phải cúng dưới bếp, nhưng có người lại cho rằng, dưới bếp không được sạch sẽ nên cần phải cúng ở trên bàn thờ cao.
Trên thực tế, bếp núc ngày nay hiện đại, rộng rãi, sạch sẽ, nhiều nhà có đặt bàn thờ Táo quân riêng dưới bếp thì đặt mâm cúng tại đó. Còn bình thường, các vị thần đều được an ngự trên bàn thờ nên đặt mâm cúng ở đó sẽ thể hiện được sự chu đáo, trang trọng.
Rồi thì nhất định phải có cá chép đỏ sống, bơi khỏe, nhanh nhẹn và không bị tróc vảy. Hoặc thả cá phải thả nhẹ nhàng thể hiện cuộc sống trong năm cũng được “cá chép hóa rồng” mà không phải đứng từ trên cao ném xuống sông, hồ. Thêm vào đó, có những đĩa xôi gấc được đóng hình cá chép đỏ au, đẹp mắt cho mâm cỗ thêm phần trịnh trọng.
Thế đấy, việc Tết đến gần dễ thấy nhất là ngay hôm sau 23 tháng Chạp, vừa cúng thần Bếp xong. Dù cuộc sống hiện đại đến mấy, trong nếp sinh hoạt tâm linh của người Việt vẫn tin và hướng vọng về những điều tốt lành và may mắn. Cũng như tục cúng ông Công ông Táo là mong muốn gói lại những điều cũ và mong về một năm mới bình an.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết