Giai đoạn nổi loạn, không vâng lời là một quá trình trưởng thành tất yếu của bé. Thay vì quát mắng, cha mẹ nên kiên nhẫn giúp đỡ để có thể cùng trẻ vượt qua giai đoạn này
Có thể nói, phương pháp giáo dục khi con cái không vâng lời là một vấn đề khá nhức nhối đối với nhiều gia đình. Đối diện với những đứa con nổi loạn, ngay cả những bậc cha mẹ nhiều năm kinh nghiệm cũng khá bất lực.
Cha mẹ nào cũng đều muốn có khoảng thời gian bên con thật thoải mái, vui vẻ và bình yên. Nhưng nhiều khi, trong các cuộc nói chuyện giữa cha mẹ và con cái, đứa trẻ lại thường biểu hiện như không nghe thấy hoặc là đồng ý mà không làm theo. Vì thế mà ngay sau đó, cha mẹ thường mất bình tĩnh mà dùng đến đòn roi hay la mắng với mong muốn những đứa trẻ sẽ sợ hãi và khiến chúng phải vâng lời.
Tuy nhiên, những phương pháp đó lại thường không giúp trẻ cải thiện được lỗi lầm. Vào lúc này, tin rằng tất cả các bậc cha mẹ đều mong muốn tìm thấy một phương pháp để có thể giúp khuất phục những đứa trẻ không vâng lời. Bởi vì đằng sau những hành vi vô lý của trẻ, hầu hết đều ẩn chứa những lý do sâu xa.
Tìm hiểu nguyên nhân của sự nổi loạn
Thông thường, nhiều bậc cha mẹ chỉ hay tập trung vào hành vi sai trái của con mà hiếm khi đi tìm hiểu nhu cầu sâu xa ẩn đằng sau hành động đó. Tuy nhiên trên thực tế, những hành vi sai trái của trẻ mà chúng ta nhìn thấy giống như một tảng băng, chỉ có một phần nhỏ lộ ra trên bề mặt. Trong khi những nhu cầu đằng sau hành động đó lại ẩn sâu dưới nước không thể nhìn thấy.
Chẳng hạn nếu đứa trẻ cố ý hét to, có thể là do cha mẹ thường quá ít chú ý đến chúng. Hay việc đứa trẻ không nghe theo bất kỳ lời khuyên nào từ cha mẹ có thể là sự phản hồi của lòng tự trọng đã bị tổn thương quá nhiều.
Việc đánh đập hay mắng mỏ từ cha mẹ chỉ có thể ngăn chặn hành vi bề ngoài của trẻ chứ không thể giải quyết nhu cầu ẩn đằng sau hành vi đó. Nếu nhu cầu ẩn giấu này bị chúng ta phớt lờ và bỏ qua trong một thời gian dài, thì hành vi sai trái của trẻ sẽ ngày càng tăng lên.
Chiến lược để con trở nên ngoan ngoãn, hiểu chuyện
Khi chúng ta đã tìm ra nhu cầu ẩn giấu đằng sau hành vi sai trái của trẻ. Bước tiếp theo cha mẹ nên tìm cách loại bỏ các hành vi đó. Và phương pháp giao tiếp luôn là một công cụ hữu hiệu giúp giáo dục trẻ hiệu quả hơn.
Khi cha mẹ giao tiếp với trẻ cần chú ý rằng, chính thái độ của chúng ta sẽ quyết định cuộc trò chuyện này liệu có hiệu quả hay không. Tất nhiên, mục đích của giao tiếp không phải để thiết lập quyền lực của cha mẹ trước mặt trẻ, mà là để giải quyết vấn đề. Vì vậy, chúng ta cần phải bắt đầu bằng cách chấp nhận và đồng ý với cảm xúc của trẻ.
Với nền tảng giao tiếp như vậy, chắc chắn lòng tin của các con đối với cha mẹ sẽ ngày càng tăng lên. Đặc biệt, khi trò chuyện với trẻ, cha mẹ nên chú trọng đến các phương pháp sau:
Thứ nhất, hãy đồng cảm trước rồi hãy nói đúng hoặc sai
Trước những hành vi sai trái của trẻ, dù cha mẹ có rất tức giận nhưng đầu tiên hãy trút bỏ sự cáu kỉnh và la mắng. Mà hãy cảm thông với trẻ, điều này sẽ dễ dàng kéo trẻ đến gần hơn với cha mẹ. Với bối cảnh giao tiếp như vậy, khi giảng cho trẻ một vấn đề đúng hay sai, sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Thứ hai, nói cho trẻ biết những hành vi nào là không phù hợp
Dưới góc độ tâm lý trẻ, rất khó để chấp nhận những cấm đoán của người lớn. Vì thế mà các con thường có tâm lý phản kháng khi đứng trước những hạn chế của cha mẹ. Để tránh tình trạng này, ngoài việc nói cho trẻ biết đâu là hành vi sai, chúng ta cũng phải nói rõ cho trẻ biết hành vi nào là phù hợp. Để trẻ có những tiêu chuẩn khi thực hiện hành vi của mình.
Thứ ba, đừng đánh giá hành vi của trẻ mà hãy mô tả sự việc một cách khách quan
Nếu chúng ta đánh giá hành vi của trẻ một cách chủ quan, thì trẻ rất dễ tập trung và chú trọng vào đánh giá đó, mà bỏ qua hành vi của chính mình. Do đó, khi cha mẹ nhắc đến những hành vi cụ thể của trẻ, thì hãy mô tả sự việc một cách khách quan. Điều này có thể giúp trẻ tập trung hơn vào hành vi không đúng của chính mình.
Hậu quả tương ứng phải gánh chịu do hành vi không vâng lời
Trong quá trình trưởng thành, những đứa trẻ bướng bỉnh thường sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Và thường những kết quả đó sẽ không phải do trẻ tự nhận lấy, mà là do cha mẹ chúng phải gánh chịu. Vì vậy, nếu muốn trẻ vâng lời và dần dần hình thành được ý thức kỷ luật, cha mẹ cần khiến trẻ phải gánh chịu những hậu quả tương ứng do hành vi của mình gây ra.
Trước tiên là hậu quả trực tiếp do chính hành vi sai trái của đứa trẻ. Ví dụ như việc đập đồ chơi vô cớ làm chúng bị hỏng dẫn đến hậu quả trực tiếp là món đồ đó không còn hoạt động được nữa. Khi đó bản thân trẻ sẽ phải đối mặt với một thực tế đó là không có món đồ này để chơi cùng. Đó là một hình thức mà trẻ phải gánh chịu hậu quả.
Sau đó là hậu quả logic. Vẫn lấy việc đứa trẻ nghịch đồ chơi làm ví dụ. Khi trẻ đập phá đồ chơi không có lý do, cha mẹ nên ngăn chặn hành vi đó ngay sau khi phát hiện. Và nếu việc ngăn chặn không hiệu quả, thì chúng ta nên tịch thu đồ chơi của trẻ, để trẻ tạm thời mất quyền sử dụng với món đồ đó do hành vi sai trái của mình.
Dù khi dùng hậu quả tự nhiên hay hậu quả logic thì cha mẹ cũng phải nắm được mức độ phù hợp. Không để cho hậu quả tự nhiên phát sinh quá mức, cũng không để hậu quả logic quá khắc nghiệt, việc cân bằng cả hai là một điều rất quan trọng.
Trẻ con không vâng lời quả thực là một vấn đề rất đau đầu của nhiều gia đình. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ đều là một cá thể độc lập, và dù là những đứa trẻ không vâng lời thì chúng cũng có quyền được giao tiếp bình đẳng với người lớn chúng ta.
Cha mẹ có thể giáo dục những đứa trẻ không vâng lời thông qua các phương pháp như giao tiếp theo lối suy luận và để đứa trẻ chịu hậu quả tương ứng một cách thích hợp. Từ đó dần dần nuôi dưỡng ý thức tự kỷ luật ở trẻ.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết