Các nghiên cứu nhận thấy, lãnh đạo có tính hài hước tạo động lực cho cấp dưới nhiều hơn 27%, tập thể gắn bó hơn 15% so với sếp không vui tính.
Nhắc đến một lãnh đạo giỏi, mọi người thường hướng đến một vài đặc điểm như quyết tâm, tự tin… nhưng các chuyên gia khẳng định, khiếu hài hước có vai trò quan trọng không kém.
Naomi Bagdonas, giảng viên khoa sau đại học của ĐH Stanford, chỉ ra các nhà lãnh đạo có thể sử dụng sự hài hước để xây dựng mối liên hệ chặt chẽ hơn với nhóm của họ. Cách tiếp cận này giúp thúc đẩy sự sáng tạo và khả năng phục hồi của cả nhóm.
Theo bà, tiếng cười làm tăng cảm giác tin cậy, gần gũi và thoải mái. Khi mọi người cùng cười, não của họ sẽ tiết ra hormone endorphin và dopamine, đem đến trạng thái vui thích cao độ. Theo Bagdonas, phản ứng hóa học trong não sẽ khiến bạn cảm thấy gắn bó với người khác hơn.
Theo logic này, những nhà lãnh đạo chia sẻ tiếng cười với cấp dưới có thể thúc đẩy mối quan hệ bền chặt hơn với họ.
Nhà khoa học hành vi Jennifer Aaker, đồng giảng dạy với Naomi Bagdonas, chỉ ra, khi sự hài hước giúp lan tỏa tiếng cười, não chúng ta sẽ tràn ngập hormone liên quan đến tình yêu, niềm vui, và đó cũng là điều ai cũng mong muốn có trong cuộc sống.
Hai nhà khoa học trích dẫn một nghiên cứu từ tạp chí khoa học Social Behavior and Personality (Tính cách và hành vi xã hội), cho thấy những nhà lãnh đạo có khiếu hài hước được coi là đáng ngưỡng mộ và tạo động lực hơn 27% so với những vị sếp không hay đùa.
Nhân viên của những người hài hước có khả năng gắn bó và gắn kết hơn 15%, nhóm này cũng có khả năng giải quyết một nhiệm vụ đòi hỏi tính sáng tạo cao gấp đôi.
Tất nhiên, không phải ai cũng có thể hài hước. Thậm chí, những trò đùa kém duyên, những câu bông đùa gượng ép sẽ gây cảm giác khó chịu và có thể khiến mối quan hệ bị tổn hại nặng nề hơn. Do đó, Aaker và Bagdonas đã đưa ra hai lời khuyên cho những nhà lãnh đạo muốn mang lại tiếng cười tại nơi làm việc.
Thứ nhất, thay vì vắt óc suy nghĩ để tìm ra một câu nói hài hước, hãy nói về những điều thực tế xảy ra trong cuộc sống của bạn. “Tin vui là cuộc sống đầy sự hài hước nếu chúng ta biết cách tìm kiếm nó. Đừng tìm kiếm những gì buồn cười. Chỉ cần để ý những gì là sự thật và thú vị”, Aaker nói.
Điều thứ hai là nên nhạy cảm về cách cảm nhận những câu chuyện cười của bạn lẫn việc người khác sẽ cảm thấy thế nào khi nghe chúng. Điều đó có nghĩa là không bao giờ đưa ra những nhận xét khiến đồng nghiệp, cấp dưới thất vọng. Bạn cũng nên tránh những trò đùa có thể mang tính riêng tư.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết