Mặc dù có chiều dài gần 7.000 km, nhưng trên con sông Amazon lại không có cây cầu nào.
Amazon là con sông dài thứ hai thế giới và là một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất hành tinh. Nó chứa nhiều nước ngọt hơn bất kỳ con sông nào khác, là nơi sinh sống của loài cá heo sông lớn nhất thế giới, cũng là nơi sinh sống của 100 loài cá điện và 60 loài cá piranha.
Tuy nhiên, dù có rất nhiều thứ chất lượng và đa dạng đi kèm, nhưng lại có một thứ không thể tìm thấy trên sông Amazon: những cây cầu.
Chảy qua ba quốc gia là Peru, Colombia và Brazil với hơn 30 triệu người sống trong lưu vực của nó, tại sao nơi đây lại không có cây cầu nào bắc qua. Khó khăn trong việc xây dựng những công trình như vậy trong một khu rừng nhiệt đới? Những khu vực ngập nước rộng lớn và đầm lầy? Hay các rào cản tài chính? Hãy cùng tìm hiểu dưới đây.
Sự bất thường của Amazon
Khi so sánh với một số con sông nổi tiếng khác trên thế giới, việc Amazon không có cầu bắc qua là một điều kỳ lạ. Chỉ riêng ở Cairo đã có khoảng 9 cây cầu bắc qua sông Nile dài nhất thế giới; hơn 100 cây cầu đã được hoàn thành trong vòng 30 năm qua trên Dương Tử, con sông hàng đầu châu Á; trong khi sông Danube dài thứ 2 của châu Âu, dù chỉ dài bằng 1/3 sông Amazon, cũng có tới 133 cây cầu bắc qua.
Vậy vấn đề của sông Amazon là gì?
Walter Kaufmann, Chủ tịch Bộ phận Kỹ thuật Kết cấu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Zurich, chia sẻ lý do thực sự: “Không có nhu cầu đủ cấp bách về một cây cầu bắc qua Amazon.”
Amazon, với phần lớn chiều dài 6.920 km, uốn khúc qua các khu vực dân cư thưa thớt, đồng nghĩa với việc có rất ít con đường chính cho bất kỳ cây cầu nào kết nối. Và ở các thành phố và thị trấn giáp sông, thuyền và phà là phương tiện được thiết lập để di chuyển hàng hóa và con người từ bờ này sang bờ khác. Có nghĩa là thực sự không cần xây dựng cầu, bởi việc đó chỉ giúp thực hiện các chuyến đi nhanh hơn một chút.
“Tất nhiên, cũng có những khó khăn về kỹ thuật và hậu cần”, ông Kaufmann lưu ý.
Theo Kaufmann, Amazon không phải là một địa điểm lý tưởng cho các nhà xây dựng, vì nó có một loạt các trở ngại tự nhiên mà các kỹ sư và công nhân xây dựng cần phải chinh phục.
Ví dụ, các đầm lầy rộng lớn và những vùng đất mềm của nó sẽ đòi hỏi “những đoạn cầu tiếp dẫn trên cạn rất dài, với nền móng rất sâu”. Và điều này sẽ đòi hỏi mức đầu tư tài chính khổng lồ, theo Kaufmann. Ngoài ra, sự thay đổi vị trí của dòng sông qua các mùa , với “sự khác biệt rõ rệt” về độ sâu của nước, sẽ làm cho việc xây dựng trở nên “cực kỳ khó khăn”. Điều này một phần là do mực nước sông lên xuống quanh năm và phù sa mềm của các bờ sông cũng xói mòn và thay đổi theo mùa. Ông Kaufmann lưu ý mặc dù đây là các vấn đề chung của nhiều con sông, nhưng với Amazon, “chúng đặc biệt nghiêm trọng”.
“Môi trường ở Amazon chắc chắn là một trong những nơi khắc nghiệt nhất trên thế giới”, Kaufmann nói. “Các cây cầu qua eo biển cũng là một thách thức do độ sâu của nước, nhưng ít nhất bạn biết rằng việc xây dựng có thể sử dụng các giải pháp như cầu phao”.
Nhưng cầu phao, hay các cấu trúc nổi, không phải là một giải pháp có thể hoạt động được ở hầu hết các vùng của Amazon, bởi vì dòng sông bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các yếu tố theo mùa, và điều này làm tăng thêm độ phức tạp của mọi thứ. Ví dụ, trong mùa khô – từ tháng 6 đến tháng 11 – sông Amazon có chiều rộng trung bình từ 3,2 tới 9,7 km, trong khi vào mùa mưa – từ tháng 12 đến tháng 4 – sông có thể rộng tới 48 km. Và mực nước có thể chênh cao hơn 15 mét giữa hai mùa mưa và mùa khô.
Vì vậy, việc không có nhu cầu quá cấp bách về một cây cầu nối qua sông Amazon, cùng các quy trình liên quan đến việc xây dựng một cầu rất tốn kém là đáp án chính của câu hỏi này.
Amazon sẽ sớm có một cây cầu trong tương lai?
Điều đáng chú ý là, mặc dù không có cây cầu nào bắc qua Amazon, nhưng vẫn có một cây cầu bắc qua sông Negro, phụ lưu chính của nó. Được gọi là Ponte Rio Negro, cây cầu được hoàn thành vào năm 2011, nối thành phố Manaus và Iranduba. Và cho đến nay, nó vẫn là cây cầu chính duy nhất bắc qua một nhánh sông của Amazon.
Tuy nhiên, dù không có kế hoạch cụ thể nào cho một cây cầu bắc qua Amazon ở hiện tại, thì điều này không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra trong tương lai, theo Philip Fearnside, một nhà sinh vật học, nhà khoa học và nhà bảo tồn người Mỹ. Ông là người đã dành phần lớn sự nghiệp của mình ở Brazil.
Năm 2019, Jair Bolsonaro, tổng thống Brazil, tuyên bố rằng ông ấy muốn có một cây cầu được xây dựng trên sông Amazon như một phần của “Dự án Rio Branco”, tuy nhiên tới hiện tại mọi thứ vẫn không có gì tiền triển.
Theo Fearnside, cây cầu sẽ “rất đắt so với những lợi ích kinh tế mà nó sẽ mang lại”.
Sau khi hoàn thành Ponte Rio Negro, các kế hoạch tạm thời đã được đưa ra cho một cây cầu bắc qua vùng thượng nguồn Amazon – được gọi là sông Solimões – ở thành phố Manacapuru, sẽ kết nối đường cao tốc BR-319 với thành phố Manaus và loại bỏ việc người dân phải đi phà.
“Cao tốc BR-319 là một ưu tiên chính trị cao, nhưng nó không có lý do về kinh tế”, Fearnside nói. “Vận chuyển sản phẩm từ các nhà máy trong Khu thương mại tự do Manaus đến São Paulo bằng đường thủy sẽ rẻ hơn.”
Ngoài ra, theo Fearnside, việc tạo ra một cây cầu như vậy sẽ “cho phép những kẻ phá rừng tiếp cận khoảng một nửa những gì còn lại của rừng Amazon” và đó sẽ gây ra các vấn đề đối với việc bảo tồn khu rừng rậm nhiệt đới này.
“Tôi nghĩ rằng một cây cầu sẽ chỉ được xây dựng nếu nhu cầu vượt trội hơn so với khó khăn và chi phí”, ông Kaufmann nói. “Cá nhân tôi nghi ngờ rằng điều này sẽ sớm xảy ra, trừ khi có những sự phát triển kinh tế không lường trước được trong khu vực.”
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết