Nhờ sự bùng nổ của công nghệ và xu hướng mua sắm online, ngành nghề vận chuyển hàng hóa, hay còn gọi là nghề shipper, đang ngày càng phát triển.
Theo báo cáo mới được Viện Khoa học lao động xã hội công bố, tỷ lệ shipper có trình độ cao ở Việt Nam hiện lên tới 36,6%. Với thu nhập cao, ngày càng nhiều người dù được đào tạo từ những ngành nghề khác nhau đều lựa chọn đây là công việc chính, gắn bó lâu dài.
Muốn có tiền học tiếp và chi trả sinh hoạt phí đắt đỏ ở thủ đô, Khoa chọn làm shipper công nghệ. Là sinh viên chuyên ngành xây dựng nên tìm được việc làm thêm đúng ngành nghề khi chưa ra trưởng với Khoa thực sự khó khăn. Không cần bằng cấp, chỉ cần bằng lái, công việc này đã trang trải cho em rất nhiều thứ.
“Khoa em giờ làm mấy công việc ngoài hầu như không có. Làm cái này thì thoải mái thời gian hơn, thích nghỉ lúc nào thì nghỉ. Nhưng ngày thường thời tiết đẹp thì tốt chứ nắng mưa phá sức lắm. Nếu mà có công việc tốt thì em cũng đã chẳng chọn nghề shipper này làm gì” – Lê Văn Khoa chia sẻ.
Khoa sẵn sàng đổi việc nếu có cơ hội bởi theo chàng trai này, shipper không phải là nghề dài lâu. Tuy nhiên, với thu nhập cao, nhiều người dù đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng vẫn sẵn sàng đánh đổi. Bởi nhờ số tiền bình quân 300.000 – 400.000 đồng/ngày, họ có thể trang trải chi phí sinh hoạt cần thiết thay vì một công việc ổn định mà lương thấp
Một số người cho rằng, lương văn phòng chắc chắn thấp hơn vì nếu lương khởi điểm là 6 – 7 triệu đồng thì lương shipper có thể lên tới 10 – 12 triệu đồng. Trong khi đó, việc đăng ký làm shipper dễ dàng, không yêu cầu về bằng cấp hay mối quan hệ.
Theo các chuyên gia, lựa chọn nghề lương cao là quyền chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn shipper không tham gia bảo hiểm xã hội, họ phải đối diện rất nhiều rủi ro, thiệt thòi về quyền lợi mà người lao động cần có.
Ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết: “Lao động có trình độ cao làm nghề này đồng nghĩa với việc họ không sử dụng đến chuyên môn mình được đào tạo thì thật sự lãng phí. Ở Việt Nam còn nhiều khoảng trống, theo như chúng tôi nắm bắt được, hầu như tất cả các lái xe công nghệ chưa được thực hiện đầy đủ quyền cũng như được xem như người lao động theo hợp đồng, vì vậy, họ chưa được đảm bảo về bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp…”.
PGS.TS Trần Thành Nam tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Nhiều người lao động tri thức chất lượng cao giờ họ không còn đắm đuối đam mê với chính những lĩnh vực khoa học cơ bản mà họ được đào tạo.Giờ sống trong một nền kinh tế tri thức mà tất cả mọi người đều đi làm dịch vụ thì sao mà phát triển được”.
Liên quan đến tình trạng nhiều lao động có trình độ cao đi làm shipper, trong kết quả khảo sát, một chi tiết đáng chú ý là có tới 82,2% lao động coi đây là việc làm chính của họ và 94,1% không hoặc chưa có dự định chuyển việc trong khoảng 2 – 5 năm tới.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết