Mấu chốt của mọi căn bệnh mãn tính đều có thể tìm thấy ở vùng này.
Sự lão hóa của cơ thể con người thường biểu hiện đầu tiên ở vùng bụng
Theo y học cổ truyền, lục phủ ngũ tạng là nhóm các cơ quan trong cơ thể, hoạt động thống nhất với nhau tạo thành một thể hoàn chỉnh giúp nuôi dưỡng cơ thể lớn lên, giúp cơ thể khỏe mạnh và phòng tránh bệnh tật.
Mà bụng lại là nơi chứa tạng phủ, được coi là trung tâm trung chuyển của khí huyết. Chỉ khi khí huyết đầy đủ thì các hoạt động của tạng phủ con người, tuần hoàn máu, phân bổ dịch trong cơ thể, trao đổi chất, đào thải chất dư, hấp thụ cái mới… diễn ra một cách thuận lợi. Tuy nhiên, khi ứ khí, khí huyết không thông thuận thì rất dễ sinh bệnh, đặc biệt là các mệnh mãn tính.
Do đó, vùng bụng đóng vai trò quan trọng trong việc cảnh báo các nguy cơ sức khỏe.
Ví dụ, khả năng tiêu hóa và hấp thụ giảm sút tức là tỳ vị không hòa hợp, tiêu chảy tức là cơ thể gầy yếu, có khí lạnh. Một ví dụ khác là táo bón, có thể do mất cân bằng môi trường đường ruột; hay kinh nguyệt không đều có thể do rối loạn hệ thống nội tiết.
Có người bụng phình to, ấn vào không đau, nhưng giống quả bóng cao su, tức là dư khí trong bụng. Cũng có một số người bụng mềm, ấn vào không đau, nhưng trong bụng vẫn có cảm giác đầy trướng khó chịu, thường là do trung tiêu khí huyết không đủ gây nên.
Có thể nói vùng bụng rất nhạy cảm, thông qua việc cảm nhận vùng bụng, nhiều người có thể kịp thời phát hiện tình trạng của cơ thể, từ đó nhanh chóng điều chỉnh thói quen ẩm thực và sinh hoạt, giúp cơ thể con người tìm lại được sự cân bằng trao đổi chất.
Tóm lại, nếu bụng thường xuyên khó chịu, hay đau, tức, đầy hơi thì bạn nên cảnh giác. Ít nhất là điều chỉnh lối sống của bản thân, nếu sau một thời gian vẫn không thuyên giảm các triệu chứng thì nên đi thăm khám sớm.
Đau bụng cảnh báo các bệnh gì?
1. Đau ở ổ bụng: Vấn đề tiêu hóa
Ổ bụng là bao gồm từ mũi ức xuống tận đáy chậu, thường chứa các nội tạng cơ bản như dạ dày – tá tràng, gan, lách, tụy tạng, hệ thống mật (đường dẫn mật và túi mật), ruột (đại tràng, ruột non, mạc treo, trực tràng, hậu môn), hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang), với phụ nữ còn có tử cung, buồng trứng, vòi trứng, âm đạo.
Đôi khi, các cơn đau bụng xảy ra là do ăn quá no hoặc ăn quá nhiều món ăn giàu chất béo, thực phẩm sinh hơi. Một số người không dung nạp lactose mà ăn nhiều sản phẩm sữa cũng có thể bị đau ổ bụng.
Các cơn đau như vậy thường khỏi trong vài giờ hoặc kéo dài vài ngày. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường không nguy hiểm, nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo bạn cần chú ý đến sức khỏe hơn.
2. Đau bụng âm ỉ phía trên: Chướng khí, đầy bụng
Nếu bạn bị đau âm ỉ ở khu vực bụng trên – phía trên dạ dày, hoặc cảm thấy đầy hơi, có thể do bị đầy bụng chướng khí, ợ hơi. Nguyên nhân là ăn nhanh, nuốt nhanh; sử dụng đồ uống có ga, bia, thực phẩm từ sữa và đậu cũng gây hình thành khí quá mức trong dạ dày.
3. Đau dưới ngực hoặc vùng trên cùng của bụng: Chứng ợ nóng
Đau bụng ở các vị trí này thường đi kèm với cảm giác nóng rát cổ họng và đôi khi thấy mùi vị khó chịu xộc lên cổ họng, có thể do chứng ợ nóng (trào ngược axit) gây ra. Nguyên nhân là do sử dụng nhiều loại thực phẩm có thể gây ra chứng ợ nóng như đồ nhiều dầu mỡ và cay, rượu, hành sống hay đồ uống chứa caffein, thuốc lá…
4. Đau dữ dội vùng bụng trên: Bệnh dạ dày
Nếu bị đau nhói ở bụng trên và dạ dày, bạn nên cẩn trọng với bệnh viêm loét dạ dày, niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Một vài triệu chứng khác của bệnh này chính là thay đổi khẩu vị, buồn nôn, đại tiện ra máu hoặc sẫm màu, sụt cân không rõ nguyên nhân…
Nguyên nhân do thường xuyên dùng thuốc aspirin, các loại thuốc chống viêm, hút thuốc, uống quá nhiều rượu cũng ảnh hưởng xấu đến dạ dày và gây viêm loét.
5. Bụng đau nhói và đầy hơi: Ruột kích thích
Nếu hệ tiêu hóa bỗng trở nên nhạy cảm, bạn có thể mắc hội chứng ruột kích thích dẫn đến hai nguy cơ: một là hệ tiêu hóa hoạt động rất nhanh gây tiêu chảy, hai là hoạt động sẽ chậm lại và khiến bạn bị táo bón. Trong trường hợp này, bạn cần kiểm soát các loại thực phẩm và số lượng dung nạp thực phẩm mà hệ tiêu hóa nhạy cảm.
6. Đau bụng trên bên phải: Sỏi mật
Khi bị đau dữ dội ở bụng trên bên phải, bạn nên cẩn trọng với sỏi mật. Trong trường hợp này, các triệu chứng sẽ xuất hiện như đau dữ dội và đột ngột ở vùng bụng trên bên phải, sốt, run rẩy và buồn nôn.
Một số yếu tố nguy cơ có thể kích hoạt hình thành sỏi mật như thừa cân hoặc béo phì, ít vận động; tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo và cholesterol cao, không ăn đủ thực phẩm giàu chất xơ; do di truyền, tiểu đường; do uống thuốc có chứa estrogen như thuốc tránh thai hoặc thuốc trị liệu bằng hormone.
7. Đau bụng dưới bên phải
Đây có thể là triệu chứng của viêm ruột thừa cần điều trị ngay lập tức. Triệu chứng của viêm ruột thừa là đau nhói ở vùng gần rốn hoặc bụng trên rồi di chuyển xuống bụng dưới bên phải, sưng bụng, sốt cao…
Viêm ruột thừa có thể là do tắc nghẽn bên trong ruột thừa, mô ruột thừa bị mở rộng (do nhiễm trùng ở đường tiêu hóa hoặc ở một bộ phận khác của cơ thể) hoặc do ký sinh trùng tăng trưởng gây nhiễm trùng và làm tổn thương ruột thừa.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết